Cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch nội địa

Việt Nam coi du lịch nội địa là “bệ đỡ” cho du lịch quốc tế trong thời điểm khó khăn. Du lịch cộng đồng, du lịch về biển đảo, du lịch nghỉ dưỡng là những thế mạnh mà Việt Nam sắp tới sẽ chuẩn bị để chào đón mùa hè này.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội tiếp tục thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Việt Nam coi du lịch nội địa là “bệ đỡ” cho du lịch quốc tế trong thời điểm khó khăn. Du lịch nội địa được ví như cứu cánh, thúc đẩy và tăng đột biến trong thời điểm này, làm tiền đề cho du lịch quốc tế.

Khách quốc tế đến Việt Nam tăng 200% 

Đối với vấn đề phát triển du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, ngành Du lịch được hiểu là một ngành kinh tế tổng hợp và Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Trước đại dịch Covid-19, ngành Du lịch đã có những đóng góp tích cực vào nền kinh tế nước nhà. Khi đại dịch xảy ra, ngành Du lịch đã chịu nhiều tác động, thiệt hại.

Trước bối cảnh đó, Đảng, Chính phủ, Quốc hội luôn quan tâm đến ngành kinh tế này và đã có nhiều quyết sách để hỗ trợ, giúp đỡ. Trong đó miễn, giảm tiền điện trong thời điểm dịch bùng phát để giảm sức nặng cho các cơ sở lưu trú; giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành; giảm 50% phí thẩm định cấp phép lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa và thẻ hướng dẫn viên du lịch…

Ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức mở cửa lại thị trường quốc tế và là một trong những quốc gia có độ mở nhất, tạo ra hiệu ứng tốt nhất về kiểm soát dịch bệnh khi lượng vaccine đã được bao phủ. Các số liệu phân tích đã cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 200% so với cùng kỳ, song du lịch nội địa còn tăng cao hơn. Số liệu này cũng cho thấy khi kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam là điểm đến an toàn.

Cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch nội địa - Ảnh 1

Việt Nam là điểm đến an toàn cho du khách trong nước và quốc tế. (Ảnh minh họa)

Thêm vào đó, SEA Games 31 được xem là một cơ hội tốt để du lịch Việt Nam quảng bá, giới thiệu điểm đến, sản phẩm du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn đến đông đảo các đại biểu, vận động viên, phóng viên, người hâm mộ trong khu vực Đông Nam Á và thông qua họ đến với bạn bè quốc tế, khách du lịch trên toàn thế giới. Đây sẽ là một “cú hích” cho sự phục hồi, phát triển của du lịch, kinh tế Việt Nam và ASEAN.

Trong hơn 1 năm qua, ngành Du lịch đã gặp phải vô vàn thách thức khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lan rộng khiến nhiều doanh nghiệp du lịch phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Do đó, trong mùa hè 2022, ngành Du lịch cần tập trung rà soát, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quảng bá, nâng cấp, số hóa các điểm đến để tạo điều kiện cho ngành du lịch phát triển; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế như mong muốn.

Cần có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch 

Cho ý kiến trong phiên thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Duy Minh (Đoàn ĐBQH TP.Đà Nẵng) cho biết, du lịch là một trong những ngành đang phục hồi và là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế ở nhiều địa phương.

Tuy nhiên, việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới còn một số vấn đề hạn chế như: khách du lịch quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều, số lượng doanh nghiệp trở lại hoạt động chưa cao, nhân lực ngành du lịch vẫn bị thiếu hụt nghiêm trọng. Việc tuyển dụng lao động ở ngành Du lịch gặp khó khăn do người lao động có tâm lý lo lắng, e ngại, không muốn quay lại ngành Du lịch do thiếu tính bền vững, ổn định.

Do vậy, ĐBQH Nguyễn Duy Minh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần đánh giá rõ hơn kết quả việc triển khai các chính sách hỗ trợ, các giải pháp cho doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19 trong ngành Du lịch. Trong đó, cần làm rõ những vướng mắc, hạn chế và nguyên nhân để đề ra các giải pháp khắc phục.

Đồng thời, có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển du lịch như chính sách visa thông thoáng, tạo thuận lợi đi lại cho khách du lịch; mở rộng thêm các nước được miễn thị thực vào Việt Nam; cũng như thực hiện chính sách thúc đẩy xúc tiến quảng bá du lịch ra nước ngoài; chính sách khuyến khích đầu tư, hỗ trợ phát triển du lịch kinh tế ban đêm, kinh tế chia sẻ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo gắn với du lịch…

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, Việt Nam nên mở rộng thêm danh sách miễn thị thực với các nước như Mỹ, Ấn Độ, Canada, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan… để hút khách quốc tế đến từ thị trường giàu tiềm năng này.

Nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn được tăng số ngày miễn thị thực cho các thị trường xa từ 15 ngày lên 30 ngày; đồng thời cho phép khách được nhập cảnh nhiều lần trong một chuyến đi để biến Việt Nam thành trung tâm trung chuyển hàng không và du lịch đường dài của du khách quốc tế. Cùng với đó là đơn giản hóa và chuyên nghiệp hóa việc cấp thị thực điện tử và thị thực tại cửa khẩu, tạo sự thoải mái, nhanh chóng, thuận lợi cho du khách.

Cùng quan điểm, ĐBQH Trần Thị Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) đề nghị cần có giải pháp miễn thị thực cho du khách nước ngoài, tăng thời hạn miễn thị thực từ 15 ngày đến 30 ngày, áp dụng thị thực xuất nhập cảnh nhiều lần. Đồng thời, giảm các giấy tờ, thủ tục với doanh nghiệp lữ hành, du khách, đơn giản hóa trong việc cấp thị thực điện tử e-visa tại các cửa khẩu để ngành Du lịch và hàng không có thể phục hồi và bứt phá sau đại dịch.

Trên cơ sở đó, khẳng định cần xây dựng một chương trình quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài một cách bài bản và chuyên nghiệp bằng việc áp dụng công nghệ cũng như tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp cho khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam ở bất kỳ đâu trên thế giới một cách thuận lợi nhất.

Đề cập đến vấn đề bảo vệ di sản, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, di sản là tài sản, tài nguyên văn hóa vô cùng giá trị của đất nước. Số lượng di tích, di sản trên cả nước rất lớn với hơn 40.000 di tích; trong đó, 8 di tích tiêu biểu được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản Thế giới, 123 di tích quốc gia đặc biệt được Thủ tướng xếp hạng, 3.599 di tích quốc gia được Bộ trưởng Bộ Văn hóa xếp hạng, 10.755 di tích được Chủ tịch Ủy ban cấp tỉnh xếp hạng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, số lượng di tích, di sản của đất nước hết sức phong phú, đồ sộ và đa dạng nên phát huy, bảo tồn và lan tỏa những giá trị mà thiên nhiên ban tặng, cha ông ta hình thành và xây dựng là trách nhiệm của chúng ta.

“Việc chống xuống cấp đối với các di sản, di tích là trách nhiệm của tất cả chúng ta và được biết Quốc hội cũng đã đưa vào chương trình làm luật, giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo Luật Di sản văn hoá để xem xét sửa đổi, và lúc đó chắc chắn chúng ta phải phân cấp rõ hơn, trách nhiệm rõ hơn để tránh tình trạng là khi công nhận di tích, xếp hạng di tích thì cứ nghĩ đây là trách nhiệm của Bộ, ngành. Di tích ở địa phương nào, địa bàn nào thì địa phương đó có cộng đồng trách nhiệm và phải được phát huy giá trị di tích ngay tại địa phương đó”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Hữu Y Yên, Tổng Giám đốc lữ hành Saigontourist cho rằng, chính sách visa chưa hồi phục như trước có thể là rào cản lớn nhất khiến cho quá trình hồi phục của doanh nghiệp bị đứt đoạn.

“Chúng tôi đang kỳ vọng hè này sẽ phục hồi khách thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và sang tháng 10 đẩy mạnh đón khách quốc tế. Hiện quá trình chào bán sản phẩm, quảng bá cũng đi theo quy trình này, nhưng nếu vẫn giữ các quy định nhập cảnh hiện nay thì thị trường sẽ khó phục hồi như kỳ vọng”, ông Yên nhìn nhận.

Lan Anh / kinhtemoitruong.vn