Chỉ số minh bạch Ngân sách: Việt Nam chuyển biến rõ rệt

Nếu trong năm 2010, điểm xếp hạng về trụ cột công khai ngân sách của Việt Nam được đánh giá ở mức 14/100 điểm thì đến kỳ khảo sát năm 2019 đã ghi nhận những chuyển biến rõ rệt khi đạt 38/100 điểm.

Ngày 1/7, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp với Liên minh Minh bạch ngân sách (BTAP), Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố Chỉ số công khai ngân sách quốc gia (OBI) của Việt nam và Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương (MOBI) cho năm 2019. Theo kết quả được công bố, Việt Nam được đánh giá đã có nhiều nỗ lực và bước tiến đáng ghi nhận về mức độ công khai minh bạch ngân sách.

Kết quả này cho thấy, Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam đã nỗ lực thực hiện các cam kết công khai thông tin về quản lý và sử dụng nguồn lực công để người dân có thể tham gia thảo luận về ngân sách với những cải cách về pháp luật và thể chế quản trị ngân sách theo hướng minh bạch hơn. Kết quả khảo sát OBS 2019 cho thấy điểm xếp hạng của Việt nam có sự cải thiện ở cả 3 trụ cột: minh bạch, sự tham gia và giám sát ngân sách.

Theo đó, nếu trong năm 2010, điểm xếp hạng về trụ cột công khai ngân sách của Việt Nam được đánh giá ở mức 14/100 điểm thì đến kỳ khảo sát năm 2019 đã ghi nhận những chuyển biến rõ rệt khi đạt 38/100 điểm. Sự tăng điểm mạnh ở trụ cột công khai ngân sách đã góp phần giúp Việt Nam tăng 14 bậc xếp hạng về công khai minh bạch ngân sách, đưa Việt Nam lên vị trí 77/117 nước.

Với việc áp dụng các quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 (có hiệu lực từ năm ngân sách 2017), phạm vi, đối tượng, nội dung và hình thức công khai được mở rộng hơn rất nhiều so với trước đây. Đặc biệt, việc công khai số liệu và báo cáo thuyết minh về dự toán ngân sách nhà nước khi Chính phủ trình Quốc hội, kèm theo Báo cáo ngân sách công dân với ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu đã tạo cơ hội thuận lợi để người dân dễ dàng nắm bắt thông tin, từ đó tăng cường sự quan tâm và tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, giám sát ngân sách.

Đáng lưu ý, Việt Nam đã thực hiện công bố 7 trong 8 tài liệu ngân sách chủ chốt cần được công khai, trong đó Báo cáo ngân sách công dân được biên soạn và công bố cho 2 kỳ báo cáo là dự thảo dự toán NSNN trình Quốc hội và dự toán NSNN đã được Quốc hội quyết định. (Bảy tài liệu này gồm: Định hướng xây dựng ngân sách; Dự thảo dự toán ngân sách; Dự toán ngân sách được Quốc hội quyết định; Báo cáo ngân sách công dân; Báo cáo ngân sách quý; Báo cáo ngân sách cuối năm; Báo cáo kiểm toán).

Duy nhất còn một tài liệu ngân sách của Việt Nam (Báo cáo 6 tháng) chưa được Tổ chức Quan hệ đối tác ngân sách quốc tế (IBP) công nhận là Báo cáo giữa kỳ theo thông lệ quốc tế, vì chưa đưa ra các thông tin định lượng về dự báo ngân sách nhà nước cả năm, mặc dù Báo cáo này đã được Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ và công khai. Đây là một đặc thù của Việt Nam do Quốc hội có kỳ họp cuối năm vào cuối tháng 10, nên thời điểm Bộ Tài chính thực hiện đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước cả năm để báo cáo Chính phủ, Quốc hội muộn hơn khoảng 20 ngày so với chuẩn quốc tế (IBP quy định báo cáo giữa kỳ phải công bố trước ngày 30/9 của năm báo cáo).

Chia sẻ với một số cơ quan báo chí mới đây về các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy công tác công khai ngân sách nhà nước, ông Nguyễn Minh Tân – Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về công khai tài chính – NSNN, hướng tới chuẩn mực quốc tế, như công khai các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, công khai chi tiết kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm, công khai các dự báo về tình hình thực hiện NSNN cả năm từ giữa năm ngân sách… 

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công khai ngân sách để tạo điều kiện tối đa cho người dân được tiếp cận và khai thác thông tin ngân sách nhà nước.

Cùng với đó, tăng cường hướng dẫn và giám sát các địa phương, các bộ/ngành thực hiện nghiêm túc việc công khai theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Đồng thời, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền trong các tầng lớp nhân dân để nâng cao hiểu biết và thu hút sự quan tâm của người dân về tình hình công khai ngân sách, đặc biệt ở địa phương mình, từ đó thực hiện tốt vai trò kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng ngân sách nhà nước của các ngành, các cấp.

vnmedia



Leave a Reply

Your email address will not be published.