Doanh nghiệp ‘ngấm đòn’ vì tỷ giá tăng nóng

Đồng USD tăng giá mạnh và một số nước sẵn sàng phá giá đồng nội tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Mở cửa phiên giao dịch sáng 5/9, trên bảng niêm yết của các ngân hàng thương mại, tỷ giá USD/VND bật tăng mạnh từ 40 – 90 đồng so với trước kỳ nghỉ lễ. Chưa dừng lại ở đó, đà tăng mạnh tiếp tục diễn ra trong phiên và đến 16h15, mỗi USD đã tăng thêm từ 60 đến 80 đồng so với giá mở cửa, dao động quanh 23.400 đồng (chiều mua) và 23.690 đồng (chiều bán).

Tương tự, tỷ giá cũng tăng “nóng” trên thị trường tự do, đến 16h45 giao dịch quanh 70 đồng chiều mua và 24.200 đồng chiều bán.

Doanh nghiệp tăng lỗ hàng chục lần vì tỷ giá

Giới phân tích nhận định, đây là mức tỷ giá cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Từ đầu tới cuối tháng 8, đồng VND tiếp tục giảm 0,37% so với đồng USD, còn so với cuối năm 2021 đã giảm tới 2,64%.

Nguyên nhân được cho là do tác động từ việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành. Đặc biệt, tâm điểm thị trường đang tập trung vào phát biểu của Chủ tịch Fed J.Powell trong Hội nghị chuyên đề Jackson Hole, khi ông khẳng định mục tiêu hiện tại của Fed là kiểm soát lạm phát và sẽ tiếp tục thực hiện tăng lãi suất cho đến khi lạm phát thực sự hạ nhiệt.

So với cuối năm 2021, đồng VND đã giảm tới 2,64% so với USD.

Dự báo của thị trường về mức độ tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp tháng 9 hiện tại đang nghiêng nhiều hơn cho mức tăng 75 điểm cơ bản.

Thực tế, kết thúc tháng 8, đồng tiền tại các nước mới nổi ở châu Á tiếp tục có diễn biến giảm mạnh so với USD như Nhật Bản, Úc, Ấn Độ, Myanmar, Singapore, Thái Lan giảm giá đồng nội tệ từ 3,9%-11,15%. Trong đó, đồng Won của Hàn Quốc có diễn biến giảm mạnh nhất, ở mức 11,15% kể từ đầu năm đến nay; trong khi VND ghi nhận mức giảm thấp nhất, chỉ 2,64%.

Theo các chuyên gia, so với các đồng tiền trong khu vực, VND có diễn biến ổn định hơn, một phần nhờ việc NHNN sử dụng các công cụ điều tiết nhằm ổn định tỷ giá.

Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, diễn biến thị trường hiện nay sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp có các khoản vay bằng ngoại tệ và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Bởi, nếu quy đổi theo giá tương đối thì giá hàng hóa của các nước nói trên, trong đó có nhiều thị trường cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam, rẻ hơn rất nhiều. Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam từ dệt may, thủy sản, nông nghiệp… đều là hàng thiết yếu mà thị trường nhập khẩu cần nhưng lại dễ bị thay thế nếu giá bán cao hơn.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, cho biết hiện các thị trường xuất khẩu cà phê cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Indonesia, Brazil đều giảm giá mạnh đồng nội tệ tới 30% nhằm hỗ trợ xuất khẩu khi đồng USD tăng. Vì vậy, sản phẩm của Việt Nam rất khó để cạnh tranh.

Trường hợp của Tập đoàn Hòa Phát cũng là một ví dụ điển hình, với việc doanh nghiệp này ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá quý II/2022 lên tới 1.270 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm ngoái do lượng nguyên liệu nhập khẩu lớn và dư nợ vay bằng USD cao.

Báo cáo tài chính quý II/2022 của Novaland cũng cho thấy, khoản vay bằng ngoại tệ khiến Tập đoàn phải bù lỗ hơn 300 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá kỳ này, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, quý II/2022, Vietnam Airlines ghi nhận khoản lỗ tỷ giá lên tới 841 tỷ đồng, tăng gần 34 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời phải gánh khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 42 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái…

VND sẽ giảm bao nhiêu trong năm nay?

Với mức biến động tỷ giá 2,64% từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp nhập khẩu đã tăng lỗ tỷ giá hàng chục lần. Nếu tỷ giá biến động mạnh hơn, nhiều doanh nghiệp khó có khả năng chống đỡ.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho hay, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đề nghị phá giá VND, nhưng các doanh nghiệp nhập khẩu phản ánh, tiền đồng bị phá giá làm cho các doanh nghiệp nhậu khẩu gặp khó khăn.

Trong lịch sử, Việt Nam đã phải trải qua nhiều giai đoạn lạm phát tăng cao, tỷ giá biến động mạnh, ngân hàng đua lãi suất, đứng trên bờ vực thanh khoản… Bài học cho thấy, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối là điều quan trọng nhất để nền kinh tế hồi phục nhanh, bền vững. Đây cũng là lý do khiến NHNN tung ra nhiều giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ trong thời gian qua.

Tuy nhiên, áp lực lên tiền đồng vẫn tương đối lớn khi nguồn cung ngoại tệ trong năm nay không còn quá tích cực như kỳ vọng, trong khi đồng USD vẫn đang có xu hướng mạnh lên. Do vậy, các chuyên gia SSI Research nhận định, không loại trừ khả năng NHNN có thể sẽ phải tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bán USD.

Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cho biết, yếu tố gây “đau đầu” cho NHNN đó là tỷ giá. Nguyên nhân gây căng thẳng của tỷ giá là chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và Mỹ ở tất cả các kỳ hạn, từ kỳ hạn ngắn đến những kỳ hạn dài tính bằng 6 tháng, 1 năm, 2 năm, thậm chí 5 năm. Trong đó, tất cả các kỳ hạn đều chênh lệch âm tương đối cao và kỳ tới đây, nếu Fed tiếp tục tăng lãi suất 0,75 điểm % sẽ gây áp lực lớn tới Việt Nam.

Từ sức ép trên, Việt Nam sẽ phải tiếp tục nhấc nền lãi suất thị trường II (thị trường liên ngân hàng) lên để giữ sức hấp dẫn của tiền đồng. Điều này đồng nghĩa với việc NHNN phải tiếp tục bán USD để can thiệp thị trường, mà trong 2 tháng qua, NHNN đã bán thêm 5 tỷ USD để hút về 120.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá áp lực mất giá hiện tại của VND chủ yếu do đồng USD lên giá, trong khi Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, lãi suất thực còn dương và thặng dư thương mại.

Do đó, BVSC duy trì dự báo với sức mạnh nội tại cùng các biện pháp điều hành linh hoạt của NHNN, VND sẽ không mất giá quá 3% trong năm 2022.

Huyền Anh / Theo VNBussiness