Thế giới vẫn ‘nghiện’ dầu

Nhu cầu dầu tăng vọt và giá dầu leo thang sau xung đột Ukraine cho thấy thế giới vẫn chưa bỏ được thói quen đã ăn sâu hàng thập kỷ.

Thế giới giờ có lẽ đã bớt phụ thuộc vào dầu thô hơn so với thời điểm diễn ra cú sốc năng lượng thập niên 70. Tuy nhiên, khủng hoảng Ukraine là minh chứng rõ ràng nhất cho cơn khát dầu vẫn có thể gây gián đoạn các nền kinh tế, làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách và châm ngòi cho xung đột chính trị.

Khi cuộc chiến Yom Kippur 1973 nổ ra, châm ngòi cho lệnh cấm vận dầu mỏ của các quốc gia Arab khiến các thị trường toàn cầu náo loạn, đẩy lạm phát lên hai chữ số, dầu thô khi đó chiếm gần 50% trong cơ cấu năng lượng toàn cầu. Hiện tại, tỷ lệ này còn một phần ba.

Việc này là nhờ các nước giàu tập trung nhiều hơn vào dịch vụ, các nhà máy tăng hiệu suất tiêu thụ và công nghệ sản xuất điện chuyển dần từ dùng dầu sang than đá và khí tự nhiên. Một nghiên cứu của Đại học Columbia năm ngoái cho thấy nếu như cách đây nửa thế kỷ, thế giới cần một thùng dầu để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế x%, giờ chỉ còn cần chưa đầy nửa thùng.

Một điểm khai thác dầu của Bashneft tại Bashkortostan (Nga). Ảnh: Reuters

Một điểm khai thác dầu của Bashneft tại Bashkortostan (Nga). Ảnh: Reuters

Một số nhà kinh tế vài năm gần đây thậm chí cho rằng kinh tế toàn cầu có thể bình tĩnh với các cú sốc giá dầu. Số khác thì chỉ ra các lệnh phong tỏa vì Covid-19 hai năm qua là bằng chứng cho thấy thế giới vẫn vận hành được với mức tiêu thụ dầu thấp.

Tuy nhiên, việc nhu cầu dầu tăng vọt năm 2021 và giá dầu liên tục leo thang sau xung đột Ukraine một lần nữa cho thấy thế giới vẫn đang nỗ lực rất lớn để từ bỏ thói quen đã ăn sâu hàng thập kỷ nay.

Alan Gelder – Phó giám đốc phụ trách lọc dầu, hóa chất và các thị trường dầu tại hãng tư vấn Wood Mackenzie cho biết việc thay đổi nhu cầu dầu là rất khó trong ngắn hạn. Do việc này cần đến hàng nghìn tỷ USD để thay thế các cơ sở hạ tầng, như phương tiện giao thông hay thiết bị. “Việc đầu tư là cần thiết để giảm sự liên kết giữa các hoạt động kinh tế và nhu cầu dầu”, ông cho biết.

Việc giá dầu tăng tới 50% từ đầu năm đã làm tiêu tan hy vọng năm ngoái của các ngân hàng trung ương, rằng mức lạm phát cao do các chính sách kích thích trong đại dịch sẽ hạ dần. Nhưng thay vào đó, nó chỉ càng làm nổi bật lên một sự thật, rằng dầu mỏ đã ăn sâu vào các cơ chế của kinh tế toàn cầu như thế nào.

Người Mỹ đang lái xe ít đi. Các hãng bay cũng đẩy giá vé lên cao hơn. Từ đồ nhựa, phân bón đến xăng, các sản phẩm từ dầu thô đóng vai trò quan trọng trong việc giá hàng hóa tăng cao.

Tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang (Fed) ước tính giá dầu cứ tăng 10 USD một thùng, tăng trưởng GDP sẽ giảm 0,1% và lạm phát sẽ tăng 0,2%. Còn tại eurozone, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tìm ra giá cứ tăng 10% (theo euro), lạm phát khu vực này sẽ lên 0,1% – 0,2%.

Ảnh hưởng rõ ràng nhất hiển nhiên ở cây xăng. Các quốc gia nhập dầu ở châu Âu đang gấp rút đề xuất hỗ trợ tiền xăng dầu cho người dân, do sợ lặp lại phong trào biểu tình “áo vàng” như năm 2018 khi chính phủ muốn tăng thuế nhiên liệu.

Còn ở châu Á – khu vực không chỉ tiêu thụ dầu lớn nhất mà nhu cầu cũng tăng trưởng cao nhất, Hàn Quốc và Nhật Bản đã tăng trợ giá để ghìm giá nhiên liệu.

Ở Mỹ – nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, Fed cho biết vị thế của nước này đã tốt hơn nhiều so với thập niên 70. Tuy nhiên, điều này không khiến chủ tịch Fed Jerome Powell bớt lo ngại về lạm phát đang ở mức rất cao. Ông tuyên bố họ có thể “hành động mạnh tay” để tránh vòng xoáy tăng giá vượt kiểm soát.

Thế giới đã mất 5 thập kỷ để giảm tỷ lệ dầu trong cơ cấu năng lượng toàn cầu từ 45% xuống 31%. Vì thế, câu hỏi lớn hiện tại là tốc độ này có thể đẩy nhanh đến mức nào, khi rất nhiều nền kinh tế cam kết đạt mục tiêu Net Zero (phát thải bằng 0).

Xu hướng chuyển sang xe điện được kỳ vọng sẽ khiến nhu cầu dầu không tăng thêm và giảm dần. Các phương tiện chở khách hiện tiêu thụ tới một phần tư lượng dầu toàn cầu.

“Nhu cầu dầu thế giới sẽ đạt đỉnh trong vòng vài năm tới, rồi đi xuống. Còn GDP vẫn sẽ tiếp tục tăng”, Sverre Alvik – Giám đốc chương trình chuyển dịch năng lượng tại hãng cố vấn DNV cho biết. Ông dự báo số xe điện sẽ chiếm 50% doanh số bán xe mới trong 10 năm tới.

Dĩ nhiên, đó chỉ là một mặt của câu chuyện.

Nhu cầu dầu đang tăng tại châu Á, cùng với thực tế là các lĩnh vực chủ chốt như vận tải biển, hàng không và hóa dầu đang chuyển dịch năng lượng rất chậm chạp. Điều này đồng nghĩa nhu cầu dầu sẽ vẫn cao trong một thời gian dài nữa.

“Dự báo của chúng tôi cho thấy mức độ phụ thuộc vào dầu, đặc biệt là dầu nhập khẩu, không thể biến mất nhanh chóng”, các nhà phân tích tại IEA kết luận trong một báo cáo năm 2019.

Những viễn cảnh như vậy cho thấy kể cả trong kịch bản lạc quan nhất, việc chuyển dịch khỏi dầu mỏ và các dạng nhiên liệu hóa thạch vẫn sẽ gây ra thách thức lớn mới với cả người tiêu dùng và các nhà hoạch định chính sách.

Isabel Schnabel – một lãnh đạo ECB – tháng này đã dùng từ “lạm phát nhiên liệu hóa thạch” để nói về cái giá phải trả cho “hậu quả của việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch”. Bà cho rằng giá cao một phần là vì các chính sách hạn chế khiến nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ hơn. Nhưng phần nhiều là vì các hãng năng lượng cố tình siết thị trường để đẩy giá lên.

Giờ đây, với việc Anh, Mỹ áp lệnh trừng phạt lên dầu Nga, còn châu Âu muốn giảm nhập khí đốt Nga, bà kết luận: “Khả năng giá nhiên liệu hóa thạch giảm là không tưởng”.

Hà Thu (theo Reuters)

VNE



Leave a Reply

Your email address will not be published.