Thị trường ngày 13/4: Giá dầu, vàng và sắt thép đồng loạt tăng, đường cao nhất gần 5 tháng

(Getty Images: Anton Petrus)

Chốt phiên giao dịch ngày 12/4, giá dầu, vàng và sắt thép, … đồng loạt tăng, khí tự nhiên vẫn cao nhất 13 năm, kẽm cao nhất hơn 1 tuần, đường cao nhất gần 5 tháng, trong khi cao su và cà phê giảm.

Giá dầu tăng 

Giá dầu tăng khi việc đóng cửa ở Thượng Hải được nới lỏng, sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga giảm xuống mức thấp nhất năm 2020 và OPEC cảnh báo sẽ không thể thay thế nguồn cung bị mất từ Nga. 

Chốt phiên giao dịch ngày 12/4, dầu thô Brent tăng 6,16 USD tương đương 6,3% lên 104,64 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 6,31 USD tương đương 6,7% lên 100,6 USD/thùng. Trong phiên trước đó, cả hai loại dầu đều giảm 4%.

Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cảnh báo sẽ không thể thay thế 7 triệu thùng/ngày (bpd) xuất khẩu dầu và chất lỏng khác của Nga bị mất  trong trường hợp có các lệnh trừng phạt  hoặc các hành động tự nguyện. 

Sản lượng dầu và khí ngưng tụ của Nga giảm xuống dưới 10 triệu bpd – thấp nhất kể từ tháng 7/2020, do các lệnh trừng phạt và hậu cần hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động thương mại. Sản lượng dầu trung bình của Nga giảm hơn 6% xuống 10,32 triệu bpd giai đoạn từ 1-11/4/2022 so với 11,01 triệu bpd trong tháng 3/2022.

Ngoài ra, OPEC cũng hạ dự báo sản lượng chất lỏng của Nga thêm 530.000 bpd năm 2022, song cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu, do tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine, giá dầu thô tăng và sự bùng phát đại dịch tại Trung Quốc.

Giá khí tự nhiên vẫn cao nhất 13 năm

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng lên mức cao nhất 13 năm, do sản lượng tại Mỹ giảm mạnh và dự báo thời tiết lạnh tại Alberta, Canada sẽ thúc đẩy nhu cầu sưởi ấm.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn New York tăng 3,7 US cent tương đương 0,6% lên 6,680 USD/mmBTU – cao nhất kể từ tháng 11/2008 – phiên thứ 2 liên tiếp.

Giá vàng tăng hơn 1%

Giá vàng tăng hơn 1%, do lợi tức trái phiếu giảm sau số liệu lạm phát của Mỹ, làm giảm khả năng thắt chặt chính sách tích cực trong dài hạn của Cục Dự trữ Liên bang. 

Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,7% lên 1.967,61 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất gần 1 tháng trong đầu phiên giao dịch và vàng kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn New York tăng 1,4% lên 1.976,1 USD/ounce.  

Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm sau số liệu lạm phát trong tháng 3/2022 tăng mạnh, song vẫn thấp hơn so với dự kiến của các nhà phân tích. 

Giá kẽm cao nhất hơn 1 tuần

Giá kẽm tăng lên mức cao nhất hơn 1 tuần do tồn trữ giảm, đặc biệt tại châu Âu khi giá điện đạt mức cao kỷ lục dẫn đến việc cắt giảm lớn sản lượng, thúc đẩy hoạt động mua vào.

Giá kẽm trên sàn London tăng 2,6% lên 4.400 USD/tấn, trong đầu phiên giao dịch đạt 4.405,5 USD/tấn – cao nhất kể từ ngày 4/4/2022. Trong tháng trước, giá kẽm đạt mức cao kỷ lục (4.896 USD/tấn).

Tồn trữ kẽm tại London chạm 120.825 tấn – thấp nhất kể từ tháng 6/2020 và giảm hơn 40% kể từ tháng 12/2021. 

Giá thép và quặng sắt tăng 

Giá thép tại Trung Quốc tăng sau khi giảm mạnh phiên trước đó, khi hội đồng nhà nước kêu gọi chính quyền địa phương đảm bảo vận chuyển thông suốt các nguyên liệu sản xuất quan trọng. 

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây kỳ hạn tháng 10/2022 tăng 2,2% lên 5.035 CNY (790,57 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 1,8% lên 5.180 CNY/tấn. Giá thép không gỉ tăng 0,4% lên 19.555 CNY/tấn.

Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn thận trọng về tiêu thụ thép lĩnh vực hạ nguồn, do dịch Covid-19 tiếp tục bùng phát ảnh hưởng đến nhu cầu. Doanh số bán ô tô của Trung Quốc trong tháng 3/2022 giảm gần 12% so với cùng tháng năm ngoái, Hiệp hội Công nghiệp cho biết.

Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Đại Liên tăng 4,4% lên 925 CNY/tấn.

Giá quặng sắt 62% Fe giao ngay sang Trung Quốc giảm 5 USD xuống 150,5 USD/tấn, công ty tư vấn SteelHome cho biết. 

Giá cao su tại Nhật Bản giảm

Giá cao su tại Nhật Bản giảm, do chỉ số Nikkei suy yếu, song đồng JPY giảm và nguồn cung nguyên liệu thô thắt chặt đã hạn chế đà suy giảm. 

Giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Osaka giảm 0,4 JPY tương đương 0,2% xuống 262,8 JPY (2,09 USD)/kg. 

Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 9/2022 trên sàn Thượng Hải tăng 5 CNY lên 13.545 CNY (2.126,77 USD)/tấn. 

Chỉ số Nikkei trung bình tại Nhật Bản chạm mức thấp nhất kể từ ngày 16/3/2022 và giảm 1,8%.

Giá cà phê giảm

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn ICE giảm 3 US cent tương đương 1,3% xuống 2,3355 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 1 tháng (2,377 USD/lb) trong đầu phiên giao dịch. 

Đồng thời, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 7/2022 trên sàn London giảm 6 USD tương đương 0,3%  xuống 2.111 USD/tấn.

Giá đường cao nhất gần 5 tháng 

Giá đường thô trên sàn ICE giảm sau khi đạt mức cao nhất gần 5 tháng trong đầu phiên giao dịch, do giá dầu thô tăng bởi lo ngại nguồn cung tiềm năng từ Nga giảm. Giá năng lượng tăng khiến các nhà máy đường tại nước sản xuất hàng đầu – Brazil – sản xuất ít đường và nhiều ethanol. 

Giá đường thô kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn ICE giảm 0,09 US cent tương đương 0,4% xuống 20,22 US cent/lb, sau khi đạt mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2021 (20,48 US cent/lb) trong đầu phiên giao dịch. 

Trong khi đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 5/2022 trên sàn London tăng 4,1 USD tương đương 0,7% lên 563,4 USD/tấn.

Giá lúa mì, ngô và đậu tương đều tăng

Giá ngô, lúa mì và đậu tương tại Mỹ tăng, do lo ngại cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài, làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu ngũ cốc khu vực Biển Đen và lạc quan về nhu cầu nhiên liệu sinh học tăng. 

Trên sàn Chicago, giá ngô kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 11-3/4 US cent lên 7,76-1/4 USD/bushel, sau khi đạt 7,79 USD/bushel – cao nhất kể từ ngày 7/3/2022 trong đầu phiên giao dịch. Giá lúa mì kỳ hạn tháng 5/2022 tăng 22-1/2 US cent lên 11,03-3/4 USD/bushel và giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 15 US cent lên 16,7-1/4 USD/bushel.

Giá dầu cọ cao nhất gần 3 tuần

Giá dầu cọ tại Malaysia tăng lên mức cao nhất gần 3 tuần, được thúc đẩy bởi tồn trữ giảm ngay cả khi các nhà phân tích dự báo xuất khẩu trong tháng 4/2022 giảm. 

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 6/2022 trên sàn Bursa Malaysia tăng 175 ringgit tương đương 2,91% lên 6.180 ringgit (1.460,65 USD)/tấn, tăng phiên thứ 3 liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ ngày 23/3/2022.

Tồn trữ dầu cọ tại Malaysia – nước sản xuất lớn thứ 2 thế giới tính đến cuối tháng 3/2022,  chạm mức thấp nhất 1 năm, do xuất khẩu lớn hơn so với dự kiến đã xói mòn tăng trưởng sản lượng, Ủy ban Dầu cọ Malaysia cho biết. 

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 13/4:

Thị trường ngày 13/4: Giá dầu, vàng và sắt thép đồng loạt tăng, đường cao nhất gần 5 tháng - Ảnh 1.

Minh Quân / Theo Trí thức trẻ