Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo Ngân hàng Thế giới hỗ trợ nghiên cứu, sản xuất vaccine tại Việt Nam

Sáng ngày 29/6/2021, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có buổi tiếp và làm việc với bà Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) và bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam.

Tham gia buổi tiếp có đại diện Lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế và cán bộ Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi tiếp và làm việc, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ lời cảm ơn Ngân hàng Thế giới đã có nhiều hỗ trợ quý báu cho công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân của Việt Nam, trong đó có công cuộc phòng chống dịch COVID-19. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đồng thời bày tỏ lời cảm ơn đến Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đã quan tâm, hỗ trợ ngành Y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng bày tỏ mong muốn Ngân hàng Thế giới tiếp tục quan tâm hỗ trợ công tác chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam. Bà Victoria Kwakwa bày tỏ cảm ơn Bộ Y tế và cá nhân Bộ trưởng đã có những phối hơp chặt chẽ với Ngân hàng Thế giới trong những năm qua.

Chia sẻ với bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Ngân hàng Thế giới có những dự án viện trợ không hoàn lại hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển vaccine cũng như ứng phó trong công tác phòng, chống dịch tại Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng thông tin Việt Nam rất quan tâm phát triển vaccine: Việt Nam là 1 trong 39 quốc gia có Hệ thống quản lý quốc gia về vaccine đạt chuẩn quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Việt Nam là 1 trong 44 quốc gia có thể sản xuất được vaccine, nhưng hiện có rất ít khoản đầu tư cho lĩnh vực này.  Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị, nếu như có khoản vốn vay của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ tiến hành xây dựng một trung tâm nghiên cứu, phát triển vaccine và sinh phẩm y tế; xây dựng nhà máy sản xuất vaccine đáp ứng Chương trình tiêm chủng mở rộng cũng như đại dịch trong tương lai (nếu có).  “Quy trình khép kín từ nghiên cứu, sản xuất đến kiểm định vaccine có ý nghĩa rất quan trọng để nâng cao năng lực tổng thể phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam và Việt Nam luôn ưu tiên công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Do đó, đề nghị Ngân hàng Thế giới ủng hộ những dự án này của Việt Nam”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục ủng hộ các dự án hiện đang thức hiện như thúc đẩy cải cách đào tạo nhân lục y tế; dự án y tế cơ sở tại các địa bàn khó khăn, đồng thời mong muốn Ngân hàng Thế giới có những hỗ trợ để thúc đẩy tiến trình giải ngân nhanh hơn.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phát biểu tại buổi làm việc

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới chia sẻ: Việt Nam đã phòng, chống dịch hiệu quả, tuy nhiên trước biến đổi mới của SARS-CoV-2, cần có thêm chiến lược vaccine kết hợp chặt chẽ các biện pháp trước đó. “Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ tiếp tục có những thành công trong công tác phòng, chống dịch, bảo vệ được thành quả chống dịch”- bà Victoria Kwakwa bày tỏ.

Liên quan tới đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế về các nguồn vốn vay cho việc nghiên cứu, sản xuất vaccine, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh: Đây là đề nghị hết sức quan trọng, do đó Bộ Y tế và Ngân hàng Thế giới cần làm việc sớm. Cần có sự phối hợp và làm việc thống nhất giữa các Bộ, Ngành để trong thời gian ngắn có thể huy động được các nguồn vốn trong các dự án của Ngân hàng Thế giới hiện chưa sử dụng hết tại Việt Nam, kết hợp thêm các nguồn viện trợ hoặc vốn vay khác để nhanh chóng thiết kế thành dự án mới cho ngành Y tế Việt Nam.

Về hỗ trợ liên quan đến nguồn vốn không hoàn lại của Dự án hỗ trợ khẩn cấp cho đại dịch, bà cho biết hiện đã giải ngân xong. Đối với dự án mới, bà sẽ tiếp tục tìm hiểu và sẽ có phản hồi sớm. Bà cũng thông tin về việc có thể tái sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi trộn với vốn vay không ưu đãi để không làm tăng trần nợ công của Chính phủ.

Về tiến độ cung ứng vaccine cho Việt Nam theo cam kết của các nhà sản xuất, Phó Giám đốc Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh hiện tại nguồn cung vaccine phụ thuộc vào khả năng cung ứng. “Chúng tôi cố gắng sẽ thúc đẩy các hãng, nhà sản xuất vaccine cũng như COVAX cung ứng đúng thời hạn đã ký kết với Việt Nam”- bà nói và cho biết thêm Chính phủ Hoa Kỳ đang có kế hoạch viện trợ vaccine Pfirez cho một số nước, trong đó có Việt Nam. Cá nhân bà sẽ cố gắng thúc đẩy thảo luận để đảm bảo Việt Nam có trong danh sách được cung ứng vaccine.

Về dự án nâng cao năng lực đào tạo cán bộ y tế, bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết hiện đã triển khai đạt các mục tiêu đề ra, cuối năm nay sẽ đóng dự án. Dự án nâng cao năng lực y tế cơ sở, đại điện cho biết hiện vẫn còn 1 số địa phương vẫn đang chưa đảm bảo thời gian thực hiện (do đang phòng, chống dịch), tuy nhiên mong muốn triển khai càng sớm càng tốt vì đây là các cơ sở y tế tuyến đầu.

Toàn cảnh buổi làm việc

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long giao Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế ngay ngày mai 30/6/2021 làm việc với các bên liên quan của Ngân hàng Thế giới để triển khai các vấn đề mà hai bên thảo luận./.

Theo MOH

Leave a Reply

Your email address will not be published.