Bộ TT&TT ”điểm” những việc lớn toàn ngành cần làm ngay

Ngày 6/7, Bộ TT&TT tổ chức hội nghị Sơ kết công tác thông tin và truyền thông 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong tháng 7 này, sẽ triển khai thử nghiệm thiết bị 5G Việt Nam. Ảnh: VGP/Mạnh Hưng

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong 6 tháng cuối năm.

Cụ thể: Thúc đẩy việc đưa nền tảng mã địa chỉ bưu chính trên nền tảng bản đồ số đi vào cuộc sống, đến với từng hộ gia đình; bảo đảm tính chính xác của mã địa chỉ và sự an toàn, bảo mật tính riêng tư liên quan đến tổ chức, cá nhân.

Bộ TT&TT cũng sẽ hỗ trợ hướng dẫn để 100% các địa phương lập kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông thế hệ mới; nâng tỉ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng thụ động lên 17-20%.

Thúc đẩy các doanh nghiệp viễn thông, các doanh nghiệp sản xuất smartphone và các doanh nghiệp công nghệ số nói chung hợp tác để đảm bảo mỗi người dân sẽ có 1 máy điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có 1 đường cáp quang, tạo tiền đề cho chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số và chính phủ điện tử.

Ngay trong năm nay, Bộ TT&TT sẽ cho phép các doanh nghiệp viễn thông tiến hành triển khai cung cấp dịch vụ 5G tại các khu công nghệ thông tin tập trung, các khu công nghiệp, nghiên cứu, các trường đại học và tại các khu vực trung tâm các tỉnh, thành phố. Trong tháng 7 này, Bộ TT&TT sẽ cho triển khai thử nghiệm thiết bị 5G Việt Nam và tiến tới triển khai thử nghiệm thương mại mạng 5G sử dụng thiết bị Việt Nam vào tháng 10 tới.

Cũng đến hết năm nay, Bộ TT&TT sẽ xử lý căn bản các loại “rác” viễn thông, tiếp tục thanh tra diện rộng, chấn chỉnh các lãnh đạo doanh nghiệp nếu còn tiếp diễn tình trạng sim rác trên thị trường.

Bộ sẽ tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai mô hình 4 lớp bảo đảm an toàn, an ninh mạng, đảm bảo đến cuối năm sẽ đạt tỉ lệ 100%; Bộ TT&TT cũng thúc đẩy việc tăng tỉ lệ chi cho an toàn, an ninh mạnh lên tối thiểu 10% tổng chi cho công nghệ thông tin của Bộ, ngành, địa phương. Bộ cũng thúc đẩy, hỗ trợ các doanh nghiệp để cung cấp ra thị trường tỉ lệ chủng loại sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa đạt 80%, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng các sản phẩm an toàn, an ninh thông tin của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ sẽ tập trung hỗ trợ việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ số trên khắp cả nước và hướng tới mục tiêu 1.000 dân sẽ có 1 doanh nghiệp công nghệ số để thực hiện việc đưa công nghệ thông tin vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; hỗ trợ và thúc đẩy 100% địa phương ban hành kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm 5G, định hướng, thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất thiết bị tham gia vào việc phát triển thiết bị 5G Việt Nam bảo đảm tiến độ thử nghiệm thương mại tại Việt Nam vào tháng 10/2020, tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất thiết bị smartphone 4G giá rẻ dưới 1 triệu VNĐ để cung cấp ra thị trường trong năm 2020 hướng tới mục tiêu phổ cập thiết bị smartphone.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thời gian tới, Bộ TT&TT cũng sẽ đề xuất Chính phủ về việc đổi tên các cục và trung tâm CNTT của các bộ, ngành thành cục chuyển đổi số hoặc trung tâm chuyển đổi số và bổ sung nhiệm vụ.

Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành và địa phương đặt mục tiêu đưa dịch vụ công lên trực tuyến đạt 100% mức độ 4, chậm nhất là năm 2021. Bộ sẽ hỗ trợ 100% các địa phương triển khai nền tảng kết nối liên thông dữ liệu (LGSP), hỗ trợ 100% các hệ thống CNTT của các cơ quan chính quyền phải thực hiện bảo vệ 4 lớp, ngay trong năm 2020.

Cùng ngày, Bộ TT&TT đã công bố hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Hiện, đã có Bộ Y tế và Bộ TT&TT hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trước thời hạn. Bộ TT&TT có 255 dịch vụ công  thuộc quản lý của Bộ, trong đó có 211 dịch vụ công thực hiện tại Bộ.

Hiền Minh

VGP



Leave a Reply

Your email address will not be published.