Bộ Y tế lý giải lây nhiễm 2019-nCoV qua khí dung, không phải bụi khí

Theo Bộ Y tế, một số thông tin cho rằng aerosol là “bụi khí” nhưng theo các chuyên gia, aerosol là một phương pháp chữa bệnh, tên tiếng Việt là “khí dung.”


Nhân viên y tế đo thân nhiệt cho bệnh nhân bị cách ly. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 9/2, theo thông tin từ Bộ Y tế, bệnh viêm phổi do virus corona (2019-nCoV) có thể lây lan qua khí dung – phương pháp chữa bệnh, chứ không phải “bụi khí” như thông tin gần đây được đăng tải và dịch trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng và không phải qua “không khí.”

Hiểu đúng về “aerosol”

Trước đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Thượng Hải (Trung Quốc) ngày 8/2, ông Tăng Quần (Zeng Qun) – Phó Cục trưởng Cục Dân chính thành phố Thượng Hải, cho biết các chuyên gia y tế và phòng ngừa dịch đã xác định nCoV có thể lây qua aerosol, theo Tân Hoa xã.

Theo Bộ Y tế, một số thông tin cho rằng aerosol là “bụi khí” nhưng theo các chuyên gia, aerosol là một phương pháp chữa bệnh, tên tiếng Việt là “khí dung.”

Cụ thể, “aerosol”, nguồn lây truyền mới mà các nhà khoa học Thượng Hải cảnh báo đặt trong bối cảnh này phải dịch là “khí dung”, chứ “bụi khí” là không chính xác và không có chuyện nó bay lung tung trong không khí thông thường vì khí dung chỉ dùng trong cơ sở y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay khí dung thực chất là một trong những thủ thuật điều trị của ngành y tế đó là sử dụng các dung dịch sau khi đã bốc hơi và đưa trực tiếp vào đường hô hấp của người bệnh. Đây là biện pháp thường sử dụng cho các bệnh nhân bị hen suyễn hay những bệnh nhân bị co thắt phế quản chứ không phải virus corona 2019 lây qua đường không khí.

Hiện nay, việc lây bệnh 2019-nCoV qua đường không khí là đối với những giọt bắn từ người nhiễm bệnh từ khoảng cách 2 mét và trên 2 mét là an toàn.

Bo Y te ly giai lay nhiem 2019-nCoV qua khi dung, khong phai bui khi hinh anh 2

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo ông Sơn: “Khi chúng ta sử dụng khí dung có một mặt nạ úp lên trên mũi và miệng của người bệnh, sau đó có một ống dẫn từ máy khí dung gọi la eurozon xịt vào miệng có áp lực. Như vậy khi vào trong họng xong khí dung đó vẫn có thể văng ra hai bên của mặt nạ đó.”

Sử dụng máy khí dung cần có chỉ định

Về vấn đề dùng máy khí dung, theo phó giáo sư Trần Minh Điển – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, nếu như chỉ một người dùng riêng một bầu khí dung thì không sao, nhưng 2 người dùng chung sẽ bị lây bệnh.

Trong trường hợp người bệnh nếu khí dung trong buồng bệnh có người mắc bệnh ở khoảng cách 2m trở lại thì sẽ lây bệnh vì virus từ hô hấp người bệnh sẽ ra theo con đường khí dung. Chính vì vậy sẽ bị lây cho người xung quanh.

Do vậy cần hạn chế khí dung, trừ khi có chỉ định của bác sỹ. Khi khí dung phải tuân thủ quy trình kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn.

Bởi virus sẽ còn tồn tại trong bầu khí dung, máy và bề mặt vật dung quanh người bệnh, có nguy cơ lây nhiễm do tiếp xúc bề mặt. Vì vậy, nhân viên y tế làm thủ thuật này cho bệnh nhân cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật kiểm soát nhiễm khuẩn.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, đến 15 giờ ngày 9/2, tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus corona trên thế giới với tổng số trường hợp mắc: 37.575, trong đó tại Trung Quốc đại lục: 37.211 người.

Tổng số trường hợp tử vong là 813 người; trong đó riêng  tại Trung Quốc đại lục là 811 người, Philippines 1 người, Hong Kong (Trung Quốc) 1 người.

Tổng số trường hợp mắc bên ngoài Trung Quốc đại lục là 364.

Đến nay đã có 27 quốc gia, vùng lãnh thổ (bên ngoài Trung Quốc đại lục) ghi nhận trường hợp mắc bệnh./.

Thuỳ Giang (Vietnam+)

Leave a Reply

Your email address will not be published.