Bóng đen nCoV bao phủ du lịch thế giới

Trên một bãi biển từng là nơi đông đúc bậc nhất Bali, nhân viên ngồi xem điện thoại, chịu cảnh “thất nghiệp” cùng hai con lạc đà nằm trên cát.

Đó là khung cảnh trước nhà hàng Mermaid Bay vắng vẻ trên bãi biển Dream Island, Arik và hai nhân viên khác đang nghịch điện thoại. Một đôi lạc đà “thất nghiệp” đang nằm gần đó, trên cát. “Chúng tôi không có việc gì để làm. Chúng tôi hy vọng sẽ đón thêm khách”, Arik nói.

Vắng khách, quản lý một khách sạn cao cấp ở Bali phải cắt giảm chi phí bằng cách yêu cầu nhân viên mặc quần áo của mình đi làm, thay cho đồng phục. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí giặt ủi đồng phục.

Trước đây, du lịch Bali từng lao đao vì núi lửa Agung phun trào. “Hồi đó, lượng khách cũng sụt giảm nhưng không như bây giờ”, Robin, 29 tuổi, một hướng dẫn viên tiếng Trung Quốc, buồn bã.

Bóng đen Covid-19 đang bao phủ du lịch thế giới, khiến bức tranh chung vô cùng ảm đạm và chưa biết đến khi nào sáng trở lại. Ian Harnett, đồng sáng lập công ty tư vấn chiến lược Absolute Strategy, cảnh báo khủng hoảng kéo dài do Covid-19 sẽ khiến cư dân nhiều nước không có các kỳ nghỉ lễ Phục sinh, nghỉ hè trong năm nay vì tâm lý tránh du lịch mùa dịch.

Châu Á – Thái Bình Dương

Là lục địa có số ca nhiễm và tử vong vì nCov cao nhất thế giới,châu Á vì thế chịu thiệt hại nặng nhất. Dự đoán dựa trên nhiều viễn cảnh, những chuyên gia kinh tế của ngân hàng Hà Lan ING tin rằng ngành du lịch châu Á sẽ thiệt hại từ 105 – 115 tỷ USD trong năm nay. Ngoài Trung Quốc, những nước chịu tác động nặng nề nhất gồm Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam.

Những năm gần đây, không có quốc gia nào quan trọng với ngành du lịch châu Á hơn Trung Quốc – thị trường có hơn 170 triệu lượt khách đi du lịch nước ngoài vào 2019. Con số này nhiều gấp ba lần so với 10 năm trước, theo Viện nghiên cứu du lịch nước ngoài Trung Quốc (COTRI). Do đó, khi Bắc Kinh ban lệnh cấm đưa khách du lịch theo đoàn xuất cảnh để tránh lây lan virus, như thể những người chi tiêu nhiều nhất thế giới khi du lịch nước ngoài đột nhiên đóng ví tiền lại.

“Người ta không muốn đến châu Á vào lúc này”, Trent Davies, cố vấn kinh doanh tại Việt Nam của Dezan Shira & Associates, nhận định. Cuộc suy thoái sẽ ảnh hưởng đặc biệt đến các thị trường mới nổi của Đông Nam Á, nơi du lịch giúp thúc đẩy kinh tế suốt một thập kỷ qua. Tại Lào và Thái Lan, ngành du lịch chiếm hơn 12% GDP, theo Fitch Solutions.

Lái xe trong những chiếc tuk tuk trống không tìm khách ở Bangkok. Du lịch rất quan trọng đối với Thái Lan khi chi tiêu của du khách nước ngoài lên tới 61 tỷ USD vào năm ngoái, tương đương 11% GDP. Gần 11 triệu khách du lịch Trung Quốc đã chi khoảng 17,2 tỷ USD năm 2019. Ảnh: Lauren DeCicca/New York Times.

Những ngày này, từ chợ ẩm thực, chợ đêm tới đền chùa tại Bangkok, Thái Lan đều vắng tanh. Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) dự đoán lượt khách quốc tế đến xứ chùa vàng năm nay có thể giảm tới 6 triệu lượt còn 33,8 triệu lượt khách – mức thấp nhất trong bốn năm qua.

Do ảnh hưởng của Covid-19, ước tính lượng khách lưu trú tại các khách sạn của Việt Nam giảm 60%; ngành du lịch thiệt hại 7 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp lữ hành hoạt động cầm chừng; từ lãnh đạo đến nhân viên chật vật đổi nghề để kiếm thêm thu nhập.

Hàng loạt sự kiện và triển lãm tại Singapore – nơi sở hữu ngành du lịch trị giá 1,6 tỷ USD – đã bị hủy bỏ. Trên đảo Bali của Indonesia, các chủ khách sạn và homestay báo cáo hàng chục nghìn yêu cầu hủy phòng; nhiều doanh nghiệp chuyên phục vụ khách Trung Quốctrên đảo đã phải đóng cửa.

Hiện Nhật Bản cũng đóng cửa hàng loạt điểm tham quan mua sắm như Tokyo Skytree, Tokyo Disneyland, DisneySea và các bảo tàng; hủy bỏ những lễ hội hoa anh đào lớn tại Tokyo và Osaka.

Một quận mua sắm vắng tanh tại Seoul, Hàn Quốc khi phần lớn khách Trung Quốc không xuất ngoại. Ảnh: Jean Chung/New York Times.

Ngay cả tại Australia, những ông lớn trong ngành du lịch đã cảnh báo hàng loạt khách sạn có thể phải đóng cửa nếu lệnh hạn chế nhập cảnh còn kéo dài. Bởi những khách sạn tại Cairns hay Bờ Biển Vàng – nơi đón lượng lớn khách Trung, Hàn, Nhật, đang quảng cáo phòng rẻ bằng một nửa giá niêm yết thông thường. Riêng tại Cairns, ngành du lịch ước tính mất 100 triệu USD đến cuối tháng này, viễn cảnh tồi tệ nhất là 1.800 người địa phương sẽ thất nghiệp.

Trong khi đó, chỉ trong bốn tuần từ 9/2, lượng khách Trung Quốc đến New Zealand giảm 30% còn 44.000 vì Covid-19 và những lệnh cấm du lịch. Ngành dịch vụ nhà hàng của xứ sở kiwi dự báo thiệt hại 3,7 triệu USD mỗi tuần vì nCoV.

Âu Mỹ

Đại diện EU cho biết, ngành du lịch châu Âu mất khoảng 1 tỷ euro mỗi tháng vì Covid-19. Thierry Breton, Ủy viên thị trường nội địa của EU khẳng định, du lịch là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi virus lây lan.

Du lịch châu Âu đã chứng kiến hai đợt sụt giảm du khách nặng nhất chỉ trong hai tháng qua. Lần thứ nhất là đợt giảm khách Trung Quốc khi dịch bùng phát ở Vũ Hán, và đợt hai mới đây khi virus lan ra khắp châu Âu.

Khách du lịch tránh xa những khu vực bị ảnh hưởng, chính phủ các nước đóng cửa điểm tham quan và hủy bỏ các sự kiển để ngăn chặn dịch bệnh. “Chúng tôi đang cố gắng thuyết phục mọi người đừng hủy bỏ các chuyến đi, mà thay bằng việc hoãn lại”, Eduardo Santande, giám đốc Ủy ban Du lịch châu Âu nói.

Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn vì Covid-19 tại châu Âu, theo nhà kinh tế trưởng người Italy Lorenzo Codogno. Federalberghi, hiệp hội các chủ sở hữu khách sạn của nước này, đã kiến nghị chính phủ giảm thuế trong giai đoạn khẩn cấp. Antonio Barreca, chủ tịch hiệp hội này, cho biết tỷ lệ hủy phòng là khoảng 30 đến 70%, tùy thuộc vào thành phố.

Bàn ghế của nhà hàng trống không trên Quảng trường Thánh Mark ở Venice. Vốn là một trong những thành phố điển hình cho tình trạng quá tải du lịch, Venice nay trống không. Điều khiến thành phố kênh đào này khác biệt với những điểm du lịch khác như Rome và Milan, là người dân gần như không có nguồn thu nhập nào khác ngoài du lịch. Ảnh: Renata Brito/AP.

Còn theo Bộ ngoại giao Pháp, tình trạng sụt giảm du khách cũng gây tác động đáng kể khi ngành công nghiệp du lịch chiếm 8% GDP của nước này. Năm ngoái, 2,1 triệu du khách Trung Quốc đã ghé thăm Pháp, và nước này trở thành quốc gia đón nhiều khách Trung Quốc thứ 10 trên thế giới.

Trả lời CNBC tại hội nghị thưởng đỉnh G-20 ở Riyadh tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Pháp, Bruno Le Marie cho biết, Pháp mất 30 – 40% khách quốc tế kể từ khi Covid-19 bùng phát. Số lượng đặt chuyến bay từ Trung Quốc đến Paris giảm 80% so với cùng kỳ từ tháng 2 – 4/2019. Pháp sẽ chịu nhiều thiệt hại về kinh tế vì du khách Trung Quốc chi tiêu rất mạnh tay khi tới đây.

Theo NBC Washington, Covid-19 tác động lên ngành du lịch Mỹ, gây ra thiệt hại ước tính 10,3 tỷ USD đối với các doanh nghiệp. Trong đó một số bang như California, New York và Nevada sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Chính quyền Washington D.C. cảnh báo nỗi e ngại lây nhiễm nCoV có thể khiến thành phố mất hàng chục triệu USD tiền thuế. Mối lo ngại trước mắt là Covid-19 có thể ảnh hưởng đến Lễ hội Hoa anh đào – sự kiện thường niên lớn nhất của thành phố, thu hút hàng triệu người tham gia. 92% số khách tham quan là khách nội địa. Thị trưởng thành phố Muriel Bowser hy vọng sự kiện này không chịu bất kỳ tác động nào.

Elliott L. Ferguson II, chủ tịch quỹ phi lợi nhuận Destination Dc, cho biết đến nay, Covid-19 vẫn chưa có những tác động lớn đến ngành du lịch trị giá 8 tỷ USD của thành phố. Tuy nhiên, mọi thứ sẽ thay đổi nếu các ca lây nhiễm tiếp tục gia tăng khắp nước và ngành công nghiệp đang mang lại việc làm cho 80.000 người sẽ bị ảnh hưởng.

Các công ty lớn chuyên kinh doanh sòng bạc tại Las Vegas như MGMResorts International, Wynn Resorts Ltd và Las Vegas Sands Corp cảnh báo, những lệnh hạn chế đi lại có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh doanh. Ít nhất hai sự kiện lớn được tổ chức trong tháng 3 ở thành phố tội lỗi đã bị hủy bỏ.

Đối mặt với khủng hoảng

Anwita Basu, người đứng đầu phòng nghiên cứu rủi ro quốc gia tại châu Á của Fitch Solutions, cho biết: “Năm nay sẽ là một năm khá tồi tệ đối với ngành du lịch và tất cả những ngành liên quan. Chúng tôi nghĩ những lệnh hạn chế đi lại sẽ có hiệu lực lâu hơn nhiều so với thời gian nguy cơ lây nhiễm tồn tại”.

Không ai chắc chắn khi nào Covid-19 được kiểm soát hoàn toàn, song người trong ngành du lịch đã có những biện pháp tình thế để giảm thiệt hại.

Cuối tháng 2, chính phủ New Zealand tài trợ gần 7 triệu USD để thúc đẩy ngành du lịch. Bước đầu, xứ sở kiwi sẽ tập trung vào thị trường Australia. Một chiến dịch phối hợp với các hãng hàng không, sân bay và địa phương sẽ thu hút du khách từ xứ sở chuột túi từ tháng 5 đến tháng 11.

New Zealand cũng tung ra chiến dịch trượt tuyết “Đây là cách chúng tôi tận hưởng mùa đông” nhắm đến thị trường Australia, kích cầu vào mùa thấp điểm và quảng bá du lịch địa phương. Chiến dịch này sẽ cải thiện số lượng khách đến từ tháng 7 đến tháng 10 năm nay.

nCoV cũng ngăn khách thập phương đến với Nhật Bản, đặc biệt là Kyoto. Đường phố của cố đô xứ sở hoa anh đào vắng vẻ hơn khi dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, một số cửa hàng đã khởi động chiến dịch “du lịch trống rỗng” để lôi kéo khách trở lại.

Hàng loạt poster chào mời du khách về một điểm du lịch đông đúc nhất Nhật Bản nay biến thành không gian dành riêng cho họ. Một tấm biển in hình khỉ viết: “Đã lâu mới thấy khỉ đông hơn người”, bên dưới là ảnh cầu Togetsukyo – nơi khách chen chân chụp ảnh – nay vắng lặng. Ảnh: sagaarashiyamao/Twitter.

Những cửa hàng trên 5 con phố mua sắm Kyoto đã quảng cáo về một “suitemasu Arashiyama” – nghĩa là quận Arashiyama trống không, hay Arashiyama đang rất vắng khách. Chiến dịch này xuất hiện trên mạng xã hội với hashtag gồm #nopeople (không có người) hay #nowisthetime (giờ là lúc lên đường)…

Anh Minh tổng hợp

vnexpress

Leave a Reply

Your email address will not be published.