Cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê làm “nóng” phiên thảo luận tại Quốc hội

Tại phiên thảo luận chiều 26-5 về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), có hai luồng ý kiến cấm và không cấm về dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê.

Việc cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã khiến phiên thảo luận của Quốc hội “nóng” vào chiều 26-5, khi cả hai luồng ý kiến đều đưa ra các lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ có hai luồng ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, vì đây là vấn đề thị trường. Cần quy định điều kiện kinh doanh chế tài quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hệ thống Tòa án, các tổ chức hòa giải các cấp, tránh vấn đề xã hội phát sinh.

Một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy.

Về vấn đề này, do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định. Phương án 1 là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ; Phương án 2 là tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Cấm hay không cấm dịch vụ đòi nợ thuê làm nóng phiên thảo luận tại Quốc hội - Ảnh 1.

ĐB Trần Văn Tiến ủng hộ phương án cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê – Ảnh: Quochoi.vn

Thảo luận về dự án luật, đại biểu (ĐB) Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) ủng hộ phương án cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Theo ông Tiến, loại hình này đã biến tướng, đã gây bức xúc nhức nhối cho xã hội. Tuy nhiên, do quy định về Luât đầu tư hiện hành, nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuộc kinh doanh đầu tư có điều kiện nên nếu xóa bỏ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới những đơn vị đang hoạt động.

Từ đó ĐB Tiến đề xuất phải đánh giá tác động chính sách, nghiên cứu bổ sung, hỗ trợ khi dịch vụ này chấm dứt hoạt động.

Một số ý kiến của đại biểu cũng cho rằng dịch vụ đòi nợ biến tướng, trở thành hoạt động của các băng nhóm, xã hội đen, đe dọa tính mạng người dân, trật tự an toàn xã hội, nên việc cấm dịch vụ này là hoàn toàn hợp lý.

Ở chiều ngược lại, ĐB Mai Hồng Hải (Hải Phòng) lại nêu quan điểm không nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ. Theo ông Hải, cả ý kiến đồng tình cấm và không đồng tình đều có những lý lẽ rất thuyết phục, trong khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đưa ra hai phương án, nhưng không bày tỏ quan điểm chọn phương án nào.

NLĐO

Leave a Reply

Your email address will not be published.