Có bỏ lọt tội phạm trong vụ sai phạm tại Dự án TTHC huyện U Minh Thượng?

Các bị cáo Lê Thanh Đồng, Châu Văn Mừng, Huỳnh Hoàng Sơn và Đặng Thanh Phong, tại phiên tòa sơ thẩm tháng 11-2020.

Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) cấp cao tại TP Hồ Chí Minh vừa có quyết định kháng nghị, đề nghị Tòa án nhân dân (TAND) cấp cao tại TP Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm theo hướng hủy toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang liên quan đến sai phạm tại dự án Trung tâm hành chính (TTHC) huyện U Minh Thượng gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng, do bỏ lọt tội phạm đối với hai nguyên Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng là ông Ngô Công Tước và Đoàn Hồng Dinh và một số cá nhân khác.

Trước đó, vào tháng 11-2020, TAND tỉnh Kiên Giang xử sơ thẩm vụ án này và đã tuyên phạt các bị cáo: Lê Thanh Đồng (56 tuổi, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) TTHC huyện U Minh Thượng) sáu năm tù; Châu Văn Mừng (38 tuổi, nguyên cán bộ kỹ thuật BQLDA TTHC huyện U Minh Thượng) ba năm tù; Huỳnh Hoàng Sơn (33 tuổi, nguyên cán bộ Phòng Kinh tế hạ tầng huyện U Minh Thượng) ba năm tù và Đặng Thanh Phong (44 tuổi, nguyên Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng huyện U Minh Thượng) ba năm tù nhưng cho hưởng án treo. Đồng, Mừng phạm tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”; Sơn, Phong phạm tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Thiệt hại nhiều tỷ đồng có trách nhiệm của ông Ngô Công Tước?

Theo bản án sơ thẩm, năm 2013, UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng ba dự án, trong đó dự án TTHC huyện U Minh Thượng có vốn đầu tư 143 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục công trình. Sau khi được phê duyệt, dự án thi công đến năm 2016 và đưa vào sử dụng một số hạng mục nhưng chưa nghiệm thu, quyết toán, bàn giao công trình. Tháng 7 và tháng 12-2017, UBND tỉnh Kiên Giang thành lập đoàn thanh tra, qua thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra thụ lý. Sau đó, các bị cáo Đồng, Mừng, Sơn, Phong bị khởi tố, truy tố và xét xử.

Về tội “vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm đối với ông Ngô Công Tước, Trần Văn Hùng (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng, người phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình), Nguyễn Văn Lực (cán bộ thẩm định) và Cao Văn Phước (đơn vị thiết kế công trình vi phạm).

Cụ thể, theo điều tra, BQLDA đầu tư xây dựng công trình TTHC huyện U Minh Thượng được thành lập theo quyết định của Chủ tịch UBND huyện và thay mặt chủ đầu tư (UBND huyện) thực hiện dự án TTHC huyện; đồng thời đơn vị này chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của UBND huyện.

Qua đó, ông Ngô Công Tước, chủ đầu tư đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu tư vấn thiết kế, thẩm tra thiết kế, bản vẽ thi công và dự toán công trình. Sau đó, Lê Thanh Đồng ký kết hợp đồng với các nhà thầu liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các bị cáo áp dụng sai đơn giá, định mức, khối lượng so với quy định của pháp luật; tự thay đổi thiết kế tại một số công trình nhưng không thẩm định lại dẫn đến công trình không bảo đảm an toàn; sai phạm trong thi công, nghiệm thu, khai khống đơn giá vật tư, thay đổi chủng loại vật tư… Các hành vi này của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách hơn 16 tỷ đồng.

Có bỏ lọt tội phạm trong vụ sai phạm tại Dự án TTHC huyện U Minh Thượng? -0
 Hội trường TTHC huyện U Minh Thượng, công trình có nhiều sai sót trong đầu tư.

Theo Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, các sai phạm trên đều có vai trò tham gia của ông Ngô Công Tước, Trần Văn Hùng, Nguyễn Văn Lực, Cao Văn Phước… và các bị cáo liên quan, dẫn đến thiệt hại. Tuy nhiên, các cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố điều tra, truy tố, xét xử đối với ông Ngô Công Tước, Trần Văn Hùng, Nguyễn Văn Lực, Cao Văn Phước và một số đối tượng khác có liên quan là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Bởi, theo Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, căn cứ kết luận giám định của cơ quan có thẩm quyền có căn cứ xác định các ông Tước, Hùng, Lực, Phước… đều có hành vi vi phạm quy định pháp luật và có dấu hiệu phạm tội. Mặc khác, bản án sơ thẩm cho rằng một số cá nhân thuộc các công ty tư nhân, cán bộ thẩm định có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhưng do thời hạn điều tra vụ án đã hết; đồng thời phải có thời gian điều tra, thu thập chứng cứ nên đề nghị Cơ quan điều tra thu thập chứng cứ chứng minh hành vi sai phạm để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, nhận định trên của bản án sơ thẩm là không có cơ sở, dẫn đến việc giải quyết vụ án không triệt để và tạo ra không công bằng giữa những người cùng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Ông Đoàn Hồng Dinh cho chỉ định thầu sai quy định(!)

Nhận định trong kháng nghị số 06 của Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh về tội danh “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm xác định không chính xác thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra; xác định không đúng tội phạm mà các bị cáo đã thực hiện; có dấu hiệu bỏ lọt người thực hiện hành vi phạm tội, cụ thể là ông Đoàn Hồng Dinh.

Theo hồ sơ vụ án thể hiện, UBND tỉnh Kiên Giang có phê duyệt chi phí thiết bị tại TTHC huyện Minh Thượng hơn 6,911 tỷ đồng. Theo đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang phê duyệt kế hoạch đấu thầu hai gói thầu mua sắm thiết bị công nghệ tại Văn phòng Huyện ủy U Minh Thượng và Hội trường huyện, có giá trị hơn 2,908 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ chỉ đạo của ông Đoàn Hồng Dinh, việc mua sắm thiết bị chuyển từ hình thức đấu thầu chào hàng cạnh tranh, sang hình thức chỉ định thầu.

Từ đó, bị cáo Lê Thanh Đồng phân công bị cáo Châu Văn Mừng thẩm định hai gói thầu và ba hồ sơ chào giá của các đơn vị cung cấp. Trên cơ sở thẩm định của Đồng và Mừng, ông Đoàn Hồng Dinh phê duyệt dự toán hơn 12,227 tỷ đồng cho hai gói thầu và giao BQLDA TTHC huyện U Minh Thượng ký hợp đồng với hai nhà cung cấp thiết bị là Doanh nghiệp tư nhân Anh Thư và Công ty Đại Thế Thành.

Căn cứ kết luận giám định của Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang, chủ đầu tư (UBND huyện U Minh Thượng) đã thực hiện sai quy trình, thủ tục, khi chuyển hình thức mua sắm thiết bị từ chào hàng cạnh tranh sang chỉ định; phê duyệt giá dự toán gói thầu vượt giá trị nhưng không xin ý kiến. Vì vậy, cấp sơ thẩm đã truy cứu trách nhiệm hình sự với bị cáo Đồng và Mừng. Đồng thời, về thiệt hại của hai gói thầu, cấp sơ thẩm xác định là hơn 3,178 tỷ đồng nên cả ba người liên quan phải có trách nhiệm liên đới bồi thường. Theo đó, bị cáo Đồng có trách nhiệm cao nhất tương ứng 40%, Đoàn Hồng Dinh tương ứng 35% và Chân Văn Mừng tương ứng 25%.

Tuy nhiên, theo Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, giá trị hai gói thầu trên được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang phê duyệt với giá trị hơn 2,908 tỷ đồng nhưng các bị cáo tự thay giá trị gói thầu và thanh toán hơn 10,128 tỷ đồng cho Doanh nghiệp tư nhân Anh Thư, Công ty Đại Thế Thành. Vì vậy, số tiền thiệt hại sẽ là 7,219 tỷ đồng, chứ không phải là 3,1 tỷ đồng.

Có bỏ lọt tội phạm trong vụ sai phạm tại Dự án TTHC huyện U Minh Thượng? -0
 Một công trình có sai phạm nên còn dang dở. 

Ngoài ra, theo Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh, căn cứ kết luận giám định, có căn cứ xác định hai gói thầu trên không thuộc trường hợp chỉ định thầu, nhưng ông Đoàn Hồng Dinh, bị cáo Đồng và Mừng có hành vi chuyển hình thức mua sắm thiết bị từ chào hàng cạnh tranh sang hình thức chỉ định; phê duyệt dự toán gói thầu vượt giá trị theo phê duyệt lựa chọn nhà thầu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Kiên Giang là có dấu hiệu của tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ” hoặc “Lạm quyền trong thi hành công vụ”.

Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh nhận định, các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm chưa tiến hành khởi tố, điều tra là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội (không truy tố trách nhiệm hình sự đối với ông Dinh nhưng lại tuyên buộc ông Dinh có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại là không có căn cứ).

Do vậy, Viện KSND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đề nghị cần điều tra làm rõ động cơ của ông Đoàn Hồng Dinh và các đối tượng liên quan trong việc chuyển đổi từ hình thức đấu thầu cạnh tranh sang hình thức chỉ định thầu; động cơ, mục đích trong việc điều chỉnh thay đổi số tiền thanh toán cho cả hai gói thầu (số tiền được duyệt ban đầu hơn 2,908 tỷ đồng điều chỉnh thay đổi lên hơn 12,227 tỷ đồng); đồng thời làm rõ hành vi của Doanh nghiệp tư nhân Anh Thư và Công ty Đại Thế Thành khi được BQLDA TTHC huyện U Minh Thượng chỉ định thầu.

Năm 2018, Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang đã đưa vụ sai phạm tại Dự án đầu tư TTHC huyện U Minh Thượng vào diện theo dõi chỉ đạo. Tuy nhiên đến tháng 7-2019, vụ án này mới được khởi tố và bắt tạm giam một số đối tượng và đến tháng 11-2020, TAND tỉnh Kiên Giang mới đưa ra xét xử sơ thẩm.

Liên quan vụ án này, trước đó ông Ngô Công Tước (thời điểm đó là Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy Kiên Giang, Giám đốc Sở Nội vụ) và ông Đoàn Hồng Dinh (Bí thư Huyện ủy U Minh Thượng) chỉ bị Tỉnh ủy Kiên Giang kỷ luật với hình thức khiển trách. Hiện ông Ngô Công Tước là Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang, còn ông Đoàn Hồng Dinh là chuyên viên Ban Tổ chức Tỉnh ủy Kiên Giang.

* NHÓM PVTT tại đồng bằng sông Cửu Long

theo NDO

Leave a Reply

Your email address will not be published.