Cộng đồng DN và ngân hàng kỳ vọng phát huy hết tiềm năng trong năm Tân Sửu

Bước sang năm mới 2021, năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, dù bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất lợi do tác động của dịch COVID-19, nhưng với những nền tảng khá vững chắc đã đạt được trong thời gian qua, các ngân hàng và doanh nghiệp (DN) có nhiều kỳ vọng vào những bước phát triển mới.

Ông Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) nhận định, năm 2021 được đánh giá một năm quan trọng – năm đầu tiên của thập kỷ mới, với nhiều mục tiêu và kỳ vọng mới. 

Ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch HĐQT NAPAS. Ảnh:VGP.

Kết quả thành công tốt đẹp của Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định vị thế vững chắc của Việt Nam về mặt chính trị và là tiền đề quan trọng để Đảng và Chính phủ tiếp tục triển khai các chủ trương, quyết sách điều hành hiệu quả, giúp Việt Nam tiếp tục đạt được phong độ về sự phục hồi, phát triển mạnh mẽ về kinh tế xã hội, thu hút đầu tư quốc tế, góp phần đem đến sự thịnh vượng bền vững của quốc gia.

Trên cơ sở những kết quả đạt được của năm 2020 và tình hình đất nước trong năm 2021, NAPAS đặt ra mục tiêu phát triển hàng đầu là chung tay với Chính phủ, ngành ngân hàng ưu tiên hỗ trợ người dân, DN phục hồi trong và sau dịch COVID-19 với hàng loạt giải pháp như nghiên cứu phát triển các sản phẩm thanh toán đơn giản, thuận tiện, an toàn với chi phí hợp lý; tiếp tục phối hợp với các ngân hàng thực hiện miễn phí dịch vụ công đến hết 2021.

Việc giảm phí dịch vụ chuyển mạch và bù trừ giúp hỗ trợ các DN kinh doanh dịch vụ giao thông vận tải hàng không và đường sắt. NAPAS kỳ vọng điều này sẽ đóng góp thiết thực trong việc chung tay cùng xã hội hạn chế những hệ quả của đại dịch, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần thúc đẩy và giữ vững sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế.

Lãnh đạo NAPAS cho biết sẽ tiếp tục đảm bảo vận hành hệ thống chuyển mạnh tài chính và bù trừ điện tử hoạt động an toàn, thông suốt, thực hiện mạnh mẽ công tác số hoá thẻ lên các thiết bị di động nhằm gia tăng trải nghiệm của khách hàng…

Bên cạnh đó, NAPAS sẽ tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả dịch vụ thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Đại diện DN này cho hay, ngay từ đầu năm 2021, cùng với việc phối hợp, hỗ trợ mạnh mẽ các ngân hàng thực hiện chuyển đổi thẻ chip nội địa theo lộ trình của NHNN, NAPAS đã cùng 7 ngân hàng và công ty tài chính ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng nội địa và thẻ trả trước nội địa với nhiều ưu điểm.

DN kỳ vọng sản phẩm thẻ tín dụng và thẻ trả trước nội địa có nhiều cơ hội phát triển tại Việt Nam, khẳng định vị thế quốc gia của Việt Nam trong lĩnh vực thẻ thanh toán, góp phần đẩy lùi tín dụng đen, kích cầu tiêu dùng và đem lại nhiều lựa chọn hơn cho người dân.

“Cần đẩy mạnh truyền thông, khuyến khích người dân sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt, qua đó tạo điều kiện cho những đối tượng yếu thế được sử dụng những tiện ích bình đẳng về thanh toán điện tử, đảm bảo sự phát triển bền vững, minh bạch cho nền kinh tế”, ông Nguyễn Quang Hưng nói.

Ông Đỗ Việt Hùng, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ, Ủy viên HĐQT Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cho biết, năm 2021, Vietcombank sẽ tập trung thực hiện phương châm hành động “Chuyển đổi, hiệu quả, bền vững”, với quan điểm chỉ đạo, điều hành: “Trách nhiệm, hành động, sáng tạo”. Trọng tâm là đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu hoạt động, tiếp tục đẩy mạnh công tác phát triển khách hàng, phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phấn đấu vượt mức các mục tiêu đề ra.

Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Vietcombank Đỗ Việt Hùng. Ảnh:VGP.

Là một NHTM chủ đạo và chủ lực của Nhà nước, năm 2021, Vietcombank cũng sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu kép đã thực hiện trong năm 2020 là đồng hành, hỗ trợ tối đa khách hàng vượt qua đại dịch COVID-19 và thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ kinh doanh theo chiến lược đã đề ra.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh đến phát triển kinh tế số và có phương hướng phát triển mạnh mẽ nền kinh tế số trong giai đoạn 2021-2030.

Nắm bắt xu hướng đó, Vietcombank phát triển ngân hàng số  với mục tiêu chiến lược là trở thành ngân hàng đứng đầu về ngân hàng số.

Vietcombank tập trung đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Ngân hàng số, chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để thích ứng với ngân hàng số, phát triển mạnh mẽ các mô hình kinh doanh sáng tạo dựa trên số hóa mang đến sự hài lòng cho khách hàng thông qua các trải nghiệm số hóa.

Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ Vietcombank Đỗ Việt Hùng kỳ vọng Đảng, Nhà nước và Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện một cách toàn diện, đồng bộ thể chế phát triển nền KTTT định hướng XHCN.

Tiếp tục có các cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; tạo lập khuôn khổ pháp lý thuận lợi cho đổi mới sáng tạo; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Trong nhiệm kỳ này, Vietcombank kỳ vọng Đảng, Chính phủ sẽ tạo điều kiện để quá trình chuyển đổi số diễn ra trên diện rộng, đặc biệt với các DN. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để chúng ta có sức bật tăng trưởng trong giai đoạn tới, giúp các DN trong nước không bị tụt hậu so với các DN trên thế giới.

“Với các nền tảng, kinh nghiệm, khả năng quản trị cùng sự gắn bó của đội ngũ, Vietcombank sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ, phát triển an toàn và hiệu quả, hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trở thành một trong 100 tập đoàn tài chính hàng đầu khu vực, một trong 300 tập đoàn tài chính ngân hàng lớn nhất thế giới; chung sức xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, vững bước trong hành trình “Vươn ra biển lớn”, hiện thực hóa thành công tầm nhìn và mục tiêu chiến lược đã đề ra”, ông Đỗ Việt Hùng kỳ vọng.

Phó Tổng Giám đốc VietinBank Nguyễn Đình Vinh. Ảnh:VGP.

Đại diện một ngân hàng lớn khác, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) Nguyễn Đình Vinh cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng cần phát huy hết tiềm năng, tháo gỡ điểm nghẽn và phát huy hiệu quả để tăng trưởng nhanh hơn, khẳng định vững vàng vị thế dẫn đầu trên thị trường khu vực và vươn tầm thế giới, phù hợp với định hướng chiến lược phát triển của ngành ngân hàng, chiến lược và khát vọng quốc gia.

Thời gian tới, VietinBank tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ, ngành ngân hàng thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới. Ông Nguyễn Đình Vinh khẳng định, VietinBank tiếp tục lấy khách hàng làm trung tâm, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ; phát triển và ứng dụng giải pháp ngân hàng tài chính hiện đại, tổng thể, toàn diện, cung ứng theo chuỗi liên kết phục vụ đồng bộ hệ sinh thái khách hàng.

VietinBank sẽ chủ động điều hành tín dụng tập trung vào các ngành, lĩnh vực được Chính phủ, NHNN khuyến khích phát triển, đồng hành cùng các ngành, các địa phương để thúc đẩy kinh tế vùng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Để tạo đà cho các bước phát triển tiếp theo trong tương lai, VietinBank đã xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến 2045, đồng bộ chiến lược phát triển của VietinBank với chiến lược và khát vọng phát triển của quốc gia, của ngành ngân hàng.

Với khát vọng vươn tầm khu vực và thế giới, VietinBank xác định tầm nhìn trở thành: “Ngân hàng đa năng, hiện đại, hiệu quả hàng đầu tại Việt Nam, nằm trong Top 20 ngân hàng mạnh nhất Khu vực châu Á-Thái Bình Dương; Đến năm 2045 là ngân hàng mạnh và uy tín nhất Việt Nam, hàng đầu khu vực châu Á-Thái Bình Dương và uy tín cao trên thế giới”.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khẳng định, nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII (2016-2020) là một “nhiệm kỳ vàng” của những thành tựu kép! Đó là: Thuận ý Đảng – hợp lòng dân; vừa phát triển kinh tế-xã hội, vừa đẩy mạnh chỉnh đốn, xây dựng Đảng; ổn định kinh tế vĩ mô – duy trì đà tăng trưởng; đối nội, đối ngoại đều thành công; hội nhập và tự chủ hài hoà; đẩy lùi dịch bệnh mà vẫn lo được sinh kế cho nhân dân… Chính phủ đã thiết lập được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, được thể hiện ở việc kiềm chế lạm phát, nợ công ở mức thấp, xuất khẩu kỷ lục, dự trữ ngoại tệ tăng cao… Văn kiện được thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước, Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình để sánh vai các nước phát triển có thu nhập cao.
“Để thực hiện được các mục tiêu này, việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập phải là bệ đỡ và phát triển nền kinh tế số phải là đôi cánh để bay lên. Ba mũi giáp công: thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là các khâu đột phá. DN là lực lượng chủ công. Kinh tế tư nhân là rường cột. Quốc gia khởi nghiệp là hệ sinh thái dẫn đường”, ông Vũ Tiến Lộc nói.

Huy Thắng

VGP

Leave a Reply

Your email address will not be published.