Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Tạo lập cấu trúc thương mại mới

Với những cam kết về lợi ích khác biệt và “thả lỏng” hơn các Hiệp định Thương mại (FTA) khác mà Việt Nam đã tham gia, RCEP được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu và  quan trọng hơn là tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực.

 Lợi ích khác biệt

Ngày 15/11, 15 quốc gia ở châu Á – Thái Bình Dương đã ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).Trao đổi với báo giới về lợi ích và tác động của RCEP đối với Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, Hiệp định RCEP khi được thực thi sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, khoảng 30% GDP toàn cầu, tương đương gần 27 nghìn tỷ USD và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. “Với các cam kết về mở cửa thị trường và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực, thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đánh giá về những lợi thế khác biệt của RCEP so với các hiệp định khác, lãnh đạo Bộ Công thương phân tích: Các cam kết của Việt Nam trong RCEP rất linh hoạt và thêm một số lĩnh vực mới chưa được cam kết trong các FTA của ASEAN trước kia, như: thương mại điện tử, chính sách cạnh tranh, mua sắm của chính phủ… RCEP có tính chất khác xa so với các FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia gần đây như CPTPP, EVFTA… nên lợi ích mang lại cũng khác biệt.

Đơn cử, cùng với các cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, RCEP tạo ra khuôn khổ để đơn giản hóa thủ tục hải quan và thiết lập quy tắc xuất xứ, tạo thuận lợi cho thương mại và là mắt xích quan trọng để các doanh nghiệp (DN) tham gia chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Các yếu tố ưu việt đến từ RCEP sẽ là cơ hội cho DN Việt mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. “Đặc biệt, việc cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ giúp sản phẩm từ các lĩnh vực nổi bật như viễn thông, công nghệ thông tin, dệt may, giày dép và nông nghiệp… có thêm cơ hội thị trường” – Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh.

Đơn giản hóa xuất xứ, doanh nghiệp dễ tận dụng cơ hội 

Theo ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), Hiệp định RCEP đưa ra các quy tắc xuất xứ nhất quán trong khu vực và đơn giản hóa tối đa. Tức là hàng hóa có xuất xứ một phần tại một quốc gia có thể sử dụng các quy tắc tương tự để xác định xem hàng hóa đó có thực sự xuất xứ ở đó hay không dù cho hàng hóa này được vận chuyển đến đâu. Theo đó, sẽ loại bỏ nhu cầu tham chiếu nhiều FTA và điều chỉnh các thủ tục khác nhau cho các quốc gia khác nhau đối với cùng một loại hàng hóa.

Bên cạnh đó, quy tắc xuất xứ đơn giản hóa cộng thêm các quy tắc đơn giản hóa quy trình và chi phí xuất nhập khẩu sẽ góp phần giảm thời gian và chi phí cho các nhà xuất khẩu Việt Nam. Thông qua đó, giúp hàng hóa xuất khẩu tăng năng lực cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận tại các thị trường trong nội khối.

 Infographic: Viện chiến lược và chính sách tài chính

Hơn nữa, tính ưu việt của RCEP còn nằm ở việc tiêu chuẩn hóa các quy tắc liên quan đến việc duy trì cạnh tranh thương mại. Các quy định về thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp được cho phép và thực hiện nhất quán trong toàn khu vực. Điều này sẽ thay thế các biện pháp phòng vệ thương mại trong nước. Đáng chú ý, RCEP không tạo ra một cơ chế giải quyết tranh chấp để thách thức việc một quốc gia áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một quốc gia thành viên khác.

Với những lợi ích to lớn, ưu đãi “khủng” như vậy, để tận dụng hiệu quả lợi ích từ hiệp định, theo các chuyên gia, cùng với giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, các cơ quan bộ, ngành và địa phương, DN Việt cần chủ động nắm bắt thông qua việc nhanh chóng tìm hiểu thông tin về hiệp định, các thị trường đối tác quan tâm. “DN nước ta cần thay đổi tư duy kinh doanh, tăng cường đổi mới, chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh và sớm có chiến lược hợp tác với các thị trường đối tác, thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường này. Đồng thời, tạo ra các lợi thế thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp để có nguồn vốn cũng như nguồn chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn, chuỗi cung ứng khu vực” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

 Thành công của Việt Nam

Hiệp định RCEP đánh dấu thành tựu cao nhất của Việt Nam trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. RCEP bao gồm tất cả các thành viên của ASEAN cùng với Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Mặc dù ASEAN đã có các hiệp định thương mại tự do với các nước đối tác đối thoại theo mô hình ASEAN+1, nhưng đây là lần đầu tiên các nước đối tác tham gia chung vào một hiệp định thương mại với ASEAN. RCEP bao trùm gần một phần ba dân số toàn cầu và gần một phần ba nền kinh tế toàn cầu.

Tố Uyên

(Theo TBTCVN)

Leave a Reply

Your email address will not be published.