Hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01/2019. Hiệp định này được kỳ vọng tạo thêm xung lực mới cho phát triển thương mại và đầu tư, đẩy mạnh hơn nữa cải cách kinh tế tại Việt Nam. Tuy nhiên, hiệu quả thực thi và khả năng tận dụng những lợi ích tiềm năng của CPTPP còn phụ thuộc vào thể chế và năng lực của doanh nghiệp trong nước.

Đây cũng là một trong những nội dung được thảo luận tại Hội thảo “Thực hiện hiệu quả Hiệp định CPTPP trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế: Yêu cầu hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam” diễn ra ngày 19/2 tại Hà Nội. Hội thảo do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform).

Hội thảo tạo cơ hội để đánh giá tổng quan tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam, mức độ sẵn sàng cho việc thực hiện Hiệp định CPTPP (ở cấp quốc gia và doanh nghiệp); Xác định cơ hội và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp và Chính phủ và đề xuất yêu cầu thúc đẩy cải cách cơ cấu và hoàn thiện thể chế, tăng cường năng lực cho doanh nghiệp nhằm thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP.

 Hội thảo diễn ra tại trụ sở CIEM ngày 19/2/2020 (Ảnh: HNV)

Đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế

Thông tin tổng quan về những yêu cầu cần hoàn thiện thể chế và nâng cao năng lực  cho doanh nghiệp Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, CIEM cho biết, Việt Nam đã tập trung hơn vào đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hướng tới cải thiện chất lượng tăng trưởng cũng như chất lượng công tác điều hành phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt từ năm 2012. Tăng trưởng kinh tế đã có sự dịch chuyển từ chủ yếu theo chiều rộng sang kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2011 – 2019 đạt mức khá cao, đặc biệt là trong những năm gần đây.Tuy vậy, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2011-2019 giảm so với các giai đoạn trước, trong khi tiềm năng tăng trưởng chậm được cải thiện. Xử lý vấn đề này đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó có việc khai thác hiệu quả cơ hội từ các FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.

Cũng theo ông Dương, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam liên tục mở rộng cả về quy mô, thị trường và mặt hàng. Tốc độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu trung bình hàng năm giai đoạn 2007-2019 tương ứng là 15,6% và 14,2%.Cán cân thương mại chủ yếu đạt thặng dư sau năm 2011, lần lượt từ mức 748,8 triệu USD năm 2012 lên đến trên 9,9 tỷ USD năm 2019. Những kết quả này càng ấn tượng hơn trong bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu có nhiều bất định, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc diễn biến phức tạp…

Hiệp định CPTPP ít nhiều đã có đóng góp tích cực vào hoạt động thương mại của Việt Nam. Với khối nước CPTPP, tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam chiếm gần 30,2% giai đoạn 2007-2008 nhưng giảm dần xuống 23% giai đoạn 2009-2010 và 18% giai đoạn 2011-2018. Trong năm 2019 – năm đầu tiên thực hiện CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 6 nước thành viên đã phê chuẩn Hiệp định đạt 34,4 tỷ USD, tăng 8,3%, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 30,1 tỷ USD, chỉ tăng 1%.

Kết quả tính toán các chỉ số thương mại của Việt Nam cho thấy, Việt Nam có lợi thế cạnh tranh trong xuất khẩu các mặt hàng truyền thống như giày dép, chè và cà phê, hàng mây tre, quần áo và may mặc. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam có độ tương đồng khá cao với các đối tác như ASEAN, Trung Quốc, RCEP, CPTPP. Mức độ tương đồng xuất khẩu có xu hướng tăng trong giai đoạn kể từ năm 2008 đến nay. Chỉ số Cường độ thương mại sang thị trường CPTPP, ASEAN, RCEP đều cho thấy tầm quan trọng và tiềm năng của các thị trường này đối với Việt Nam. Hàng hóa xuất khẩu đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu nhập khẩu của hầu hết các đối tác quan trọng như Nhật Bản, Mỹ…

Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các FTA của Việt Nam đạt khoảng 39% năm 2018-2019. Hiệp định CPTPP mới bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2019, do đó tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao ở một số mặt hàng, thị trường. Những ngành có tỷ lệ tận dụng cao như thủy sản, dệt may, da giày cũng là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu đến nhiều thị trường. Mặc dù vậy, khả năng tận dụng ưu đãi trong CPTPP của doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa để cải thiện, song khó có thể tách rời với việc khai thác các FTA khác.

Hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phát triển vững chắc. Trong giai đoạn 2010-2019, thu hút FDI của Việt Nam tăng bình quân 12,4%/năm về số dự án, 5,1%/năm về vốn đăng ký, và 7,4%/năm về vốn thực hiện. Quy mô vốn FDI thực hiện liên tục đạt những kỷ lục mới, trong đó có con số 20,4 tỷ USD năm 2019. Niềm tin của các nhà đầu tư ngày càng được củng cố trong bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường đầu tư – kinh doanh không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng hơn, chính sách thu hút FDI ngày càng được hoàn thiện, bên cạnh những yếu tố khác (như xu hướng chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ, v.v.). Chính ở đây, CPTPP có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy cải cách môi trường đầu tư – kinh doanh ở Việt Nam. Ngược lại, các cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng nhà đầu tư cũng sẵn sàng hơn với những cơ hội từ CPTPP. Tuy nhiên, FDI còn tập trung nhiều ở những phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, sử dụng công nghệ trung bình, giá trị gia tăng trong nước thấp.Hiệu quả thu hút FDI chất lượng cao còn hạn chế.

Trong kết quả của nhóm nghiên cứu CIEM, ông Dương chỉ rõ, về dịch vụ tài chính, Hiệp định CPTPP cam kết mở cửa thị trường cao hơn so với các FTA và WTO. Dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán là những nhóm chính chịu nhiều tác động từ CPTPP. Chính phủ đã và đang tiến hành những bước cải cách cần thiết để hài hòa hóa khung khổ của các nhóm dịch vụ này với cam kết trong CPTPP.Lo ngại về thách thức là cần thiết, song không nên đánh giá quá thấp khả năng cạnh tranh và thích ứng của các định chế, doanh nghiệp tài chính trong nước. Trên thực tế, một số định chế tài chính nước ngoài đã thu hẹp hoạt động hoặc rút khỏi Việt Nam trong thời gian qua.

Về lao động – việc làm, so với một số nước trong khu vực ASEAN và các quốc gia thành viên CPTPP, Việt Nam được đánh giá có lợi thế về nguồn lao động trẻ, dồi dào, chất lượng có cải thiện. Tuy nhiên, xu hướng già hóa ngày càng rõ nét, cơ cấu trình độ chuyên môn kỹ thuật còn bất cập, cơ cấu việc làm chưa thực sự bền vững… Hiệp định CPTPP đặc biệt nhấn mạnh nhiều đến quyền lao động. Việt Nam cũng cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn lao động của ILO. Theo đó, hệ thống pháp luật về quan hệ lao động đã, đang và sẽ tiếp tục được hoàn thiện.

Kiến nghị chính sách tập trung vào các nội dung về ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách thương mại, đầu tư nước ngoài, cải thiện môi trường kinh doanh và tận dụng cách mạng công nghệ  4.0 (Ảnh: HNV) 

Tận dụng cơ hội có được từ CPTPP

CPTPP nằm trong số những hiệp định thương mại có yêu cầu cao nhất liên quan đến môi trường và nhìn chung phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường cũng như định hướng của Việt Nam về phát triển bền vững. Việc thực hiện các cam kết về môi trường không chỉ có ý nghĩa chuẩn bị cho CPTPP mà xuất phát từ yêu cầu nội tại của nền kinh tế. Dù đã có nhiều chuyển biến về xây dựng và thực thi chính sách, Việt Nam vẫn cần tích cực chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu về môi trường trong CPTPP.

Công tác xây dựng khung khổ pháp lý nhằm thực hiện hiệu quả CPTPP cho thấy sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Số lượng các văn bản phải sửa đổi, bổ sung không nhiều do đã có một quá trình dài hoàn thiện pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung năm 2019 không chỉ đáp ứng nghĩa vụ thực hiện các cam kết quốc tế mà còn vì nhu cầu phát triển kinh tế xã hội nội tại của Việt Nam. Tuy vậy, việc thực thi hiệu quả Hiệp định CPTPP đòi hỏi phải xử lý một số yêu cầu về thể chế, bao gồm: hiểu đúng và đầy đủ các nội dung pháp lý trong CPTPP; cải thiện hiệu quả phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan và kịp thời rà soát và ban hành các văn bản pháp luật thực thi CPTPP.

Theo ông  Nguyễn Anh Dương, so với các nước trong CPTPP, Việt Nam vẫn còn một khoảng cách về chất lượng thể chế kinh tế, thể hiện ở cả xếp hạng môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới, xếp hạng chỉ số quản trị toàn cầu; chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu. Dù vậy, Việt Nam đã cải thiện chất lượng thể chế liên tục và nhất quán. Việc nhiều nước CPTPP đứng đầu hoặc có xếp hạng rất cao về các khía cạnh của môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cũng được nhìn nhận là một yếu tố tích cực, đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục cải thiện thông qua nỗ lực tự thân và tận dụng hỗ trợ kỹ thuật của đối tác.

Ở cấp độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp ít nhiều đã có sự quan tâm, tìm hiểu về CPTPP. Dù vậy, doanh nghiệp còn phải điều chỉnh, xử lý một số vấn đề quan trọng để sẵn sàng hơn đối với CTPPP. Cụ thể, về mức độ hiểu biết, các doanh nghiệp còn quá lưu tâm đến những vấn đề ngắn hạn; mới chỉ hiểu về thuế quan và cắt giảm thuế quan, chứ chưa thực sự hiểu đầy đủ và có hệ thống về các khía cạnh khác như quy tắc xuất xứ, SPS, TBT, v.v. và thiếu các thông tin về mạng lưới nhà cung cấp trong nước và ngoài nước. Về năng lực khoa học công nghệ, tỷ lệ sử dụng công nghệ cao, đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và triển khai, và cải tiến công nghệ còn rất thấp. Trình độ và kỹ năng của người lao động trong khu vực doanh nghiệp; trình độ đội ngũ quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, dù đã có cải thiện quan hệ cung ứng cho doanh nghiệp FDI.

Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội không nhỏ từ CPTPP, bao gồm:  mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; tiếp cận nguồn vốn đầu tư; tiếp cận công nghệ, kỹ năng quản lý nước ngoài; và cải thiện hiệu quả hoạt động khi thể chế kinh tế thị trường trở nên hoàn thiện hơn. Dù vậy doanh nghiệp cũng phải xử lý hiệu quả những thách thức, đặc biệt trong việc cải thiện khả năng cạnh tranh; khả năng tận dụng cơ hội, đặc biệt là hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác. Tác động đối với doanh nghiệp sẽ tích cực hơn nếu Chính phủ củng cố hơn nữa đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách, đồng thời tạo dựng thêm không gian chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy tắc của Hiệp định, đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật cao cũng như cải thiện khả năng cạnh tranh, hài hòa việc thực hiện CPTPP với các tuyến hội nhập khác. Ngoài ra, tác động với doanh nghiệp sẽ tích cực hơn nếu Chính phủ củng cố hơn nữa trong việc đồng thuận xã hội về tiến trình và các biện pháp cải cách, cân bằng các mục tiêu chính sách, tạo dựng thêm không gian chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, một yếu tố rất quan trọng để tạo bước tiến trong hoàn thiện thể chế, nâng cao sức cạnh tranh cho cộng đồng doanh nghiệp đó là các bộ, ngành phải công khai, minh bạch… Nếu thực đầy đủ các cam kết công khai minh bạch chúng ta sẽ có bước tiến đáng kể và sẽ tiết kiệm được khá nhiều nguồn vốn.

Đồng quan điểm trên, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Trần Thị Hồng Minh cho rằng, các cơ quan nghiên cứu và quản lý cần tập trung vào việc phân tích những tác động, những cơ hội, thách thức mà CPTPP mang lại cũng như sự chuẩn bị của cộng đồng doanh nghiệp. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan của Chính phủ thiết lập cơ chế chính sách đúng đối tượng, trúng mục tiêu, góp phần thực hiện tốt những nội dung chúng ta đã ký kết tại CPTPP.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu tham dự đã chia sẻ những phân tích, đánh giá của CIEM về mức độ sẵn sàng của Việt Nam trong thực thi CPTPP. Đồng thời, cũng nhấn mạnh những yêu cầu về cải cách thể chế thương mại; thể chế đầu tư; thể chế liên quan đến các biện pháp phi thuế quan; thể chế liên quan đến sở hữu trí tuệ; phòng ngừa và ứng phó với các vụ kiện thương mại, đầu tư; chính sách ngành/công nghiệp; song song với những định hướng chung như ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách nền tảng kinh tế thị trường…/.

(ĐCSVN) – Lê Anh

Leave a Reply

Your email address will not be published.