Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2021

Ngày 27/4/2021, tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2021.

 Các Đại biểu tham gia hội nghị Sở hữu trí tuệ năm 2021 (Ảnh: IP Việt Nam)

Hội nghị có sự tham dự của đồng chí Phạm Công Tạc – Thứ trưởng Bộ KH&CN, đồng chí Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Nguyễn Việt Hùng – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo – Văn xã, Văn phòng Chính phủ. Về phía các Cơ quan tổ chức Hội nghị, có đồng chí Đinh Hữu Phí – Cục trưởng Cục SHTT, đồng chí Võ Thị Hảo – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng.

Đặc biệt, Hội nghị có sự hiện diện của 33 đồng chí Giám đốc, 41 đồng chí Phó Giám đốc và hơn 200 cán bộ của các Sở KH&CN đến từ 59 tỉnh/thành phố trên cả nước, và đại diện lãnh đạo của các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính; Bộ KH&CN.

Tại hội nghị, các đại biểu tổng kết, đánh giá công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ giai đoạn 2019-2020, trao đổi, thảo luận định hướng hoạt động năm 2021; góp ý một số nội dung sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, đánh giá một năm triển khai Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, tổng kết hoạt động phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020 và định hướng mười năm tiếp theo.

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2020, Cục SHTT đã tiếp nhận 76.720 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN), xử lý 71.829 đơn và cấp 48.072 Văn bằng bảo hộ (tăng lần lượt là 1,7%; 8,3% và 15,6% so với năm 2019). Kết quả này thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Cục SHTT trong hoạt động xác lập quyền SHTT, cơ bản đáp ứng nhu cầu bảo hộ tài sản trí tuệ của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, góp phần bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh tại Việt Nam.

Tính đến năm 2020, có 42 tỉnh/thành phố đã ban hành Chương trình phát triển tài sản trí tuệ; 1.148 sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã phường một sản phẩm) được hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; hàng nghìn lớp tập huấn, đào tạo và chương trình truyền thông về SHTT được thực hiện.

Trên cơ sở nội dung Chiến lược Sở hữu trí tuệ đến năm 2030, theo Quyết định 1068/QĐ-TTg, ngày 22-8-2019 của Thủ tướng Chính phủ và thực tiễn hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, hội nghị đưa ra bảy nhóm giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện trong thời gian tới, nhằm khẳng định vai trò của sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hội nhập sâu rộng hiện nay.

DNHN

Leave a Reply

Your email address will not be published.