Khu dự trữ sinh quyển ở Kiên Giang đang bị tấn công

Khai thác khoáng sản vô tội vạ, núi rừng ven biển bị tấn công, các loại sinh vật quí hiếm bị săn lùng… đã làm cho Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Kiên Giang bị tổn thương nghiêm trọng.

Một khu rừng đước tại thị trấn Kiên Lương bị chặt phá. Ảnh: Hồng Lĩnh

Một khu rừng đước tại thị trấn Kiên Lương bị chặt phá. Ảnh: Hồng Lĩnh

Vi phạm trong khai thác khoáng sản

Trong khu dự trữ sinh quyển,vùng núi đá vôi Kiên Lương là môi trường sống của nhiều hệ sinh vật độc đáo, trong đó có những loài vẫn chưa được biết đến. Tuy nhiên vùng đất Kiên Lương trong nhiều năm là “miếng mồi ngon” cho các công ty nhảy vào khai thác khoáng sản. Nhiều núi đá vôi bị san phẳng, bị khai thác tận gốc, thậm chí âm xuống lòng đất hàng chục mét. Cả một vùng núi đá vôi rộng lớn trở thành đại công trường hoạt động ngày đêm. Tiếng nổ mìn rung chuyển cả một vùng, xe cộ chạy ầm ầm, nhiều nhà máy xi măng, lò vôi xả khói bụi mịt mù… Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo Thông báo kết luận của Thanh tra Chính phủ, có nhiều vi phạm trong việc khai thác tài nguyên tại huyện Kiên Lương. Cụ thể Cty CP xi măng Hà Tiên 1  khai thác mỏ đất sét khi giấy phép đã hết hạn từ 2003; khai thác mỏ đá vôi tại núi Trầu, núi Còm vượt công suất cho phép hơn 1,2 triệu tấn. Tương tự, Cty TNHH Siam Cty Cement (Việt Nam) khai thác vượt công suất cho phép tại mỏ đá Cây Xoài – Bãi Voi  từ năm 2011 đến 2017, số lượng ước hàng triệu tấn. Theo qui định của pháp luật, cần phải tịch thu tang vật vi phạm là khối lượng khoáng sản mà các doanh nghiệp đã khai thác vượt công suất nói trên.

Phá rừng phòng hộ ven biển

Theo điều tra của phóng viên Tiền Phong, tuyến rừng phòng hộ ven biển từ thị trấn Kiên Lương (huyện Kiên Lương) chạy vào khu vực  xã Bình An dài khoảng 20km. Tất cả đã được giao khoán cho các hộ dân để quản lý bảo vệ từ hơn 20 năm trước, với chủ trương mỗi hộ nhận 5 ha, thời gian sử dụng 50 năm. Tuy nhiên, nói là giao khoán cho dân, nhưng thực chất hầu hết là cán bộ và những người có “máu mặt” được nhận đất rừng này. Nhiều cán bộ sau khi nhận khoán đã nhanh tay sang bán lại cho dân. Giá thời điểm năm 2007 từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng/suất.

Khu dự trữ sinh quyển ở Kiên Giang đang bị tấn công - ảnh 1

Một mỏ đá tại Dương Hòa (Kiên Lương) bị khai thác tận thu. Ảnh: Hồng Lĩnh

Dọc tuyến đường hơn 10 km rừng phòng hộ nói trên là hàng chục quán hàng ăn nhậu, nhà nghỉ, karaoke, massage như: Quán nhậu Cầu Tre, Lưu Luyến, Cẩm Dung, Út Huyền; nhà trọ Gió Biển 1 (phục vụ 24/24), nhà trọ, Massage Kiều Khang… Thậm chí còn có cả một xưởng chế biến gỗ nằm ngay trong khu vực rừng.Playvolume00:00/00:00Truvid

Đấy là bên ngoài, nhưng khi “vạch lá rừng” nhìn vào bên trong thì nhiều nơi rừng đã rỗng ruột do bị chặt phá. Theo quy định, đất rừng phòng hộ không được xẻ nền, phân lô, không được xây nhà kiên cố. Tuy nhiên nhiều ngôi nhà kiên cố đã được mọc lên, một số vùng bị chặt trắng để làm sân bãi, nuôi trồng thủy sản…

Trong vai một người đi mua đất để cất nhà hàng, tôi hỏi một chủ đất tên Q., ông  này nói: “Đất rừng phòng hộ này có giá  một mét ngang 80 triệu đồng. Đất tôi ngang 75m sâu 140m. Ông muốn làm nhà hàng, quán nhậu thì tôi đưa đi gặp “người ta”, rồi cũng phải có này có kia”. Thấy tôi do dự, ông Q. trấn an: “Người ta làm ầm ầm ra đấy, chẳng lẽ ông không làm được”.

Nhiều loài động vật quý hiếm bị đe dọa

Trong các loài động vật quý hiếm, vùng núi đá vôi Kiên Lương có sếu đầu đỏ và vọoc bạc Đông Dương.

Sếu đầu đỏ còn gọi là sếu cổ trụi hay sếu lớn Phương Đông. Loài này nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, được bảo vệ nghiêm ngặt. Sếu trưởng thành cao 1,5-1,8m; sải cánh 2,2-2,5m, trọng lượng 8-10kg. Những năm trước đây, cứ vào mùa xuân, hàng đàn sếu lại bay về đất Kiên Lương trú ngụ. Tuy nhiên những năm gần đây sếu đã hoàn toàn vắng bóng. Nguyên nhân là do môi trường bị xâm lấn, xáo trộn, các vùng đất ngập nước tự nhiên bị mất đi, thậm chí sếu còn phải đối đầu với vấn nạn săn bắt để giết thịt.

Khu dự trữ sinh quyển ở Kiên Giang đang bị tấn công - ảnh 2

Voọc bạc Đông Dương ở Kiên Lương có nguy cơ tuyệt chủng . Ảnh: Người dân cung cấp

Đối với loài voọc bạc Đông Dương sinh sống trên các núi đá vôi thuộc địa bàn xã Bình An, huyện Kiên Lương đã được các nhà nghiên cứu phát hiện là một loài đặc hữu cần đưa vào danh mục loài nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ. Tuy nhiên, việc phá rừng, khai thác các núi đá vôi vô tội vạ đã làm cho loài voọc này mất đi môi trường sống, có nguy cơ tuyệt chủng. Người dân nơi đây đã từng tìm thấy xác voọc bạc Đông Dương trong nhà dân, mà chưa rõ nguyên nhân vì sao?

Liên quan  sai phạm trong khai thác khoáng sản, Thanh tra đề nghị tỉnh Kiên Giang phải đưa mỏ đá vôi núi Cà Đa và núi Nhà Vô (xã Dương Hòa) vào đấu giá theo đúng qui định của pháp luật; yêu cầu thu hồi trên 24 tỷ đồng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thuế tài nguyên còn nợ đọng trong các doanh nghiệp.  

 Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang được UNESCO công nhận ngày 27/10/2006, với tổng diện tích 1.188.106 ha, là khu dự trữ sinh quyển lớn thứ 2 trong 9 khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam. Khu vực bao gồm phần đất liền, biển và hải đảo thuộc địa bàn 10 huyện, thị của tỉnh Kiên Giang, gồm các huyện: Vĩnh Thuận, An Biên, An Minh, U Minh Thượng, Hòn Đất, Kiên Lương, Giang Thành, Kiên Hải, Phú Quốc và thành phố Hà Tiên.

HỒNG LĨNH – TPO

Leave a Reply

Your email address will not be published.