Lan tỏa ý nghĩa an sinh

Trong những ngày qua, thông tin về người bệnh ở Kiên Giang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) được quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán hơn 11 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh đã thu hút sự chú ý của các cơ quan truyền thông cũng như cộng đồng xã hội.

Ðáng chú ý, số tiền mà quỹ BHYT thanh toán không chỉ “gói gọn” trong 11 tỷ đồng, mà sẽ còn tiếp tục tăng cao, bởi quá trình điều trị căn bệnh rối loạn đông máu do thiếu yếu tố VIII (Hemophilia) cho người bệnh này vẫn chưa kết thúc.

Dù là “trường hợp điển hình” nhưng đây không phải là cá biệt, bởi theo tổng hợp từ Hệ thống thông tin giám định BHYT của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính từ năm 2019 đến giữa tháng 6-2020, quỹ BHYT đã chi trả cho 70 người bệnh nặng có chi phí khám, chữa bệnh đặc biệt cao. Trong đó, 58 người bệnh có mức chi hơn một tỷ đồng cho một người trong một đợt điều trị; 12 người bệnh có mức chi hơn hai tỷ đồng mỗi người cho một đợt điều trị.

Không chỉ có ý nghĩa rất lớn đối với bản thân và gia đình những người bệnh mắc bệnh nặng, chi phí cao, trên bình diện xã hội, quỹ BHYT đã ngày càng phát huy vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Nếu như trong năm 2015, năm đầu tiên Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT có hiệu lực, số chi khám, chữa bệnh từ quỹ BHYT vào khoảng 50 nghìn tỷ đồng thì đến năm 2019 đã tăng lên 104.443 tỷ đồng với 184,5 triệu lượt người được thụ hưởng và riêng trong sáu tháng đầu năm nay, quỹ BHYT đã thanh toán cho hơn 76,45 triệu lượt người khám, chữa bệnh theo chế độ BHYT với tổng chi phí hơn 45.497 tỷ đồng…

Cùng với việc bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi khám, chữa bệnh, thời gian qua, những chính sách trụ cột của hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta đã thể hiện vai trò ngày càng rõ nét trong ổn định cuộc sống của người dân. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2020, cả nước đã có gần 61 nghìn người được giải quyết hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; hơn 450 nghìn người được hưởng trợ cấp một lần; gần 4,6 triệu lượt người được hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe. Ðặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, người lao động bị thất nghiệp, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã trở thành “bệ đỡ” an sinh quan trọng cho gần 500 nghìn lao động thất nghiệp, với tổng số tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp lên đến gần 7.000 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2019.

Có thể nói, những con số nêu trên không chỉ góp phần chia sẻ khó khăn với những người đã tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp và gia đình họ khi không may gặp phải những rủi ro về sức khỏe, việc làm hay khi hết tuổi lao động, mà còn giúp người dân nhận thức sâu sắc hơn về quyền lợi, lợi ích và tính nhân văn của chính sách BHXH, BHYT. Ðiều đó cũng củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào các chính sách an sinh xã hội của Ðảng, Nhà nước; đồng thời tạo thêm động lực để các bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục tăng cường vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT… Ðó chính là những cơ sở quan trọng để đến nay số người tham gia BHXH trong cả nước đạt hơn 15 triệu người; số tham gia BHYT đạt hơn 85,5 triệu người, tương đương với tỷ lệ bao phủ 88,3% số dân và tiếp tục xu hướng gia tăng, giúp ngày càng nhiều người dân được bảo vệ bởi “tấm lưới an sinh”. Minh chứng rõ nhất cho xu hướng này là chỉ trong hai ngày tập trung tuyên truyền, vận động trên toàn quốc (ngày 11 và 12-7), các địa phương đã trực tiếp vận động, phát triển được hơn 30 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện và gần 59 nghìn người tham gia BHYT hộ gia đình.

Có thể nói, ngoài nỗ lực của cơ quan thực hiện chính sách, đây chính là những “quả ngọt” được chắt chiu, nuôi dưỡng từ chính sự lan tỏa ý nghĩa của các chính sách an sinh trong xã hội.

Nam Thành

NDO



Leave a Reply

Your email address will not be published.