Số phận hàng vạn lái xe công nghệ đi về đâu?

Cả nước hiện có khoảng 17 vạn tài xế chạy xe công nghệ theo hình thức taxi. Nghị định 10 vừa ban hành yêu cầu, từ ngày 1/4 các đơn vị quản lý xe công nghệ không được điều hành vận tải. Với quy định này, hàng vạn lái xe công nghệ sẽ đi về đâu?

Hàng vạn tài xế Grab đang lo lắng về tương lai của mình sau ngày 1/4
Hàng vạn tài xế Grab đang lo lắng về tương lai của mình sau ngày 1/4

Grab Việt Nam chưa có phương án hoạt động mới

Đề cập đến những điểm mới trong việc phân biệt và quản lý giữa xe taxi và xe công nghệ hoạt động như taxi theo Nghị định 10, đại diện Bộ GTVT cho biết: Nghị định 10 đã hoàn thiện quy định để phân định rõ giữa khái niệm đơn vị kinh doanh vận tải và đơn vị chỉ cung cấp phần mềm ứng dụng hỗ trợ kết nối vận tải (không được trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe; không quyết định giá cước vận tải).

Quy định nêu rõ, từ 1/4/2020 các đơn vị cung cấp phần mềm kết nối vận tải, trong đó có Grab chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh (có thể là đơn vị cung cấp phần mềm ứng dụng hoặc là đơn vị vận tải) phù hợp với đơn vị mình để đảm bảo thực hiện nghị định.

Theo đó, nếu đơn vị xe công nghệ thực hiện các công đoạn (trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải) sẽ phải đăng ký kinh doanh vận tải và tuân thủ những quy định về vận tải. Nếu chỉ xác định cung cấp phần mềm ứng dụng kết nối vận tải thì sẽ không trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe, không quyết định giá cước vận tải và phải chấp hành các quy định về quản lý của một đơn vị kinh doanh phần mềm.

“Khi ra văn bản dừng thí điểm Đề án 24, Bộ GTVT chỉ thông báo là dừng thí điểm do đã có Nghị định 10 thay thế để quản lý xe công nghệ. Tuy nhiên Bộ GTVT chưa đưa ra hướng giải quyết “số phận” của 17 vạn xe đã được cấp phép tham gia đề án này”.  Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết

Hà Nội là địa phương có lượng lái xe công nghệ lớn nhất cả nước với hàng vạn tài xế hoạt động tương tự như taxi. Trong cuộc họp mới đây, Sở GTVT Hà Nội đề nghị đại diện Grab Việt Nam cho ý kiến về phương án hoạt động thời gian tới. Tuy nhiên đại diện Grab Việt Nam chưa trả lời và nói sẽ có văn bản gửi Sở GTVT sau buổi họp.

Chiều 9/3, trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Grab vẫn chưa gửi văn bản về phương án hoạt động thời gian tới. Chiều qua, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam cho biết, đơn vị sẽ có thông tin cụ thể đến báo chí trong thời gian sớm nhất.

17 vạn tài xế xe công nghệ đi về đâu?

Anh Nguyễn Đình Thành, một tài xế mua xe chạy Grab lâu năm cho biết, để trở thành tài xế của hãng Grab anh vừa phải mua phần mềm (làm thủ tục tham gia và cài đặt ứng dụng) vừa phải trả phí phần trăm (%) theo từng chuyến chở khách. Theo anh Thành, sau khi cài đặt ứng dụng cho xe, anh được Grab điều hành toàn bộ quá trình, từ việc bắt trả khách cho đến giá cước, thu tiền.

Anh Thành rất lo lắng trước quy định mới. Anh cho biết, một tài xế chạy Grab để được chạy trên đường thì phải xin Sở GTVT địa phương cấp phép hoạt động theo hình thức xe hợp đồng. Nếu từ 1/4, Grab không còn là đơn vị được phép điều hành vận tải, anh Thành và hàng nghìn tài xế khác sẽ không biết hoạt động thế nào vì phù hiệu “Xe hợp đồng” không thể chuyển sang hoạt động như taxi theo quy định mới. Hồ sơ xe đăng ký hoạt động cũng là xe hợp đồng nên sẽ rất khó làm thủ tục nếu muốn chuyển sang chạy taxi.

Lãnh đạo Hiệp hội Vận tải

Ô tô Việt Nam cho biết, các xe hoạt động theo ứng dụng Grab được cấp phù hiệu “Xe hợp đồng” dưới 9 chỗ theo Đề án 24 về thí điểm xe công nghệ của Bộ GTVT. Trên cả nước hiện có khoảng 17 vạn xe được cấp phép theo hình thức này, riêng Hà Nội có trên 10 nghìn xe và Grab chiếm số lượng lớn nhất.

“Khi ra văn bản dừng thí điểm Đề án 24, Bộ GTVT chỉ thông báo là dừng thí điểm do đã có Nghị định 10 thay thế để quản lý xe công nghệ. Tuy nhiên Bộ GTVT chưa đưa ra hướng giải quyết “số phận” của 17 vạn xe đã được cấp phép tham gia đề án này”, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, nói.

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, trước những lo lắng về tương lai của nhiều tài xế, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đã có thư ngỏ gửi đại diện Grab Việt Nam phúc đáp những băn khoăn trên. Tuy nhiên, chiều 9/3 ông Liên cho biết, Hiệp hội vẫn chưa nhận được phản hồi của Grab.

Theo ông Liên, cùng với yêu cầu các hãng điều hành xe công nghệ tuân thủ các quy định mới của Nghị định 10, cơ quan quản lý là Bộ GTVT, Sở GTVT cần yêu cầu các hãng này trước khi lựa chọn hình thức kinh doanh phải có phương án sắp xếp, bố trí ổn thỏa cho lượng xe – tài xế đang hoạt động dưới thương hiệu của mình.

TPO

Leave a Reply

Your email address will not be published.