Thủ tướng dự hội nghị về cây mắc ca tại Đắk Lắk

Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh phát triển cây mắc ca. Thủ tướng yêu cầu hội nghị hôm nay các bộ, ngành quản lý nhà nước làm rõ vấn về giống, quy hoạch vùng trồng ở Tây Bắc, Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung và vốn đầu tư phát triển cây mắc ca.

Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị cây mắc ca. Ảnh: Khánh Linh

Sáng ngày 29/9/2020 tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức hội nghị “Kết quả phát triển cây mắc ca Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp phát triển trong thời gian tới”.

Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ thông báo tin vui cho nông dân khi mắc ca Việt Nam được đánh giá ngon hơn mắc ca Úc (cây mắc ca xuất phát từ Úc). Thủ tướng cũng khẳng định Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh phát triển cây mắc ca. Tuy nhiên, Thủ tướng nhắc lại câu chuyện nông dân Vi Thị Thanh (Đắk Nông) phản ánh, trên địa bàn có rất nhiều diện tích mắc ca trồng trên 5 năm chưa ra quả. Do đó, Thủ tướng yêu cầu hội nghị hôm nay các bộ, ban, ngành quản lý nhà nước làm rõ vấn về giống, quy hoạch vùng trồng ở Tây Bắc, Tây Nguyên, các tỉnh miền Trung và vốn đầu tư phát triển cây mắc ca.

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây này, với diện tích trên 16,5 nghìn ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc và Tây Nguyên trồng trên 15,4 nghìn ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch, còn lại hơn 1.000 ha nằm rải rác tại 14 tỉnh khác chưa có trong quy hoạch.

Về sản lượng, năm 2020 các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6,6 nghìn tấn hạt tươi, tăng gần 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại trị giá khoảng 788 tỷ đồng, trong đó 60% xuất khẩu, còn lại phục vụ tiêu dùng trong nước.

Đến nay, mắc ca của Việt Nam đã xuất khẩu với sản lượng trên 2,4 nghìn tấn sản phẩm sấy/năm tới thị trường các nước như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Pháp. Đây cũng vừa là cây lâm nghiệp, đồng thời là cây đa mục đích; có tiềm năng sinh trưởng tốt, hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường cao; có thể phát triển tập trung quy mô hàng hóa lớn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham quan các sản phẩm chế biến từ quả mắc ca. Ảnh: Khánh Linh

Đánh giá về việc phát triển cây mắc ca trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cây mắc ca đã có những tác động tích cực tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho khoảng 10 ngàn hộ gia đình nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn; đưa mắc ca trở thành cây trồng có giá trị cao trong lĩnh vực nông nghiệp…

Bên cạnh đó, việc phát triển cây mắc ca cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại, thách thức. Công tác quản lý giống cây mắc ca tại một số địa phương chưa được quan tâm nên vẫn có hiện tượng kinh doanh giống không nguồn gốc, chất lượng kém. Công tác nghiên cứu chọn giống tốt đòi hỏi thời gian dài với chi phí lớn. Việc tiếp cận nắm bắt thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu còn hạn chế cũng là thách thức trong phát triển sản xuất.

Theo dự báo thời gian tới, cả sản lượng cung và cầu thế giới đều tăng nhanh với cung tăng 9%/năm, cầu tăng 12%/năm. Đây là cơ sở quan trọng để Việt Nam phát triển vùng nguyên liệu mắc ca và tham gia vào thị trường sản phẩm này, trong giai đoạn 2021 – 2030 và các năm sau đó.

Định hướng trong thời gian tới cần tiếp tục phát triển cây mắc ca là cây trồng trong 20 loài cây trồng rừng chính, tăng diện tích vùng trồng tập trung. Từ đó, loại cây trồng này sẽ được xây dựng thành một ngành hàng mới của nông nghiệp Việt Nam; phấn đấu đến năm 2030 đạt doanh thu 1 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 600 triệu USD./.

Khánh Linh

(TBTCO)

Leave a Reply

Your email address will not be published.