Thúc đẩy phát triển thị trường carbon

Việc định giá carbon thông qua công cụ tài chính như thuế, mua bán carbon được xem là một trong những biện pháp hiệu quả thúc đẩy hoạt động giảm phát thải khí nhà kính (KNK) ở các quốc gia, khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Phát triển theo xu hướng này, Việt Nam cũng đã và đang đẩy mạnh thực hiện chương trình “Sẵn sàng thị trường carbon toàn cầu – PMR” do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức. 

Theo phân tích của các chuyên gia, việc định giá carbon sẽ mang lại cơ hội mới cho các nhà đầu tư trong việc mua bán tín chỉ carbon (là giấy phép do Chính phủ hoặc cơ quan quản lý khác cấp, cho phép chủ sở hữu của nó đốt một lượng nhiên liệu hydrocarbon xác định trong một khoảng thời gian được quy định), mở ra nhiều hướng đi mới trong việc bảo vệ môi trường và yêu cầu các cơ sở sản xuất đầu tư giảm thiểu khí thải, hoặc trả tiền để mua tín chỉ carbon.

Ví dụ, công ty A có giới hạn phát thải 20 tấn khí nhưng tạo ra tới 22 tấn. Công ty B cũng có giới hạn phát thải 20 tấn nhưng chỉ phát thải 18 tấn, dư thừa 2 tín chỉ. Công ty A có thể mua các tín chỉ bổ sung từ công ty B để tuân thủ các quy định về môi trường. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, tham gia thị trường carbon là cơ hội để tạo nguồn thu tài chính, tiếp nhận công nghệ hiện đại ít carbon và chung tay với thế giới trong mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. 

Từ năm 2012, Việt Nam đã tham gia chương trình “Sẵn sàng thị trường carbon toàn cầu”  và chủ động xây dựng dự án từ năm 2015. Qua 5 năm chuẩn bị và thực hiện, đến thời điểm này, dự án đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành thị trường carbon còn là một quá trình dài, đòi hỏi có nhiều đầu tư về nhận thức, kỹ thuật, nhân lực và tài chính.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, đại diện WB tại Việt Nam, cho biết trong giai đoạn đầu của dự án, WB cũng đã cam kết hỗ trợ cho Việt Nam 3 triệu USD để thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức, xây dựng kế hoạch hành động của việc giảm phát thải KNK. 

Theo TS Trương Đức Trí, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT), việc định giá carbon đòi hỏi một cơ sở dữ liệu đầy đủ về phát thải KNK và các vấn đề liên quan khác như tính minh bạch, chính xác của số liệu sản xuất, kinh doanh; kiểm kê KNK, hoạt động giảm nhẹ (MRV)…

Do vậy, để hình thành và phát triển thị trường carbon ở Việt Nam, tham gia thị trường tín chỉ carbon thế giới, chúng ta cần ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp như xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê KNK, hệ thống giám sát phát thải KNK và hệ thống MRV cấp quốc gia, ngành, tiểu ngành, cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo yêu cầu và tiêu chuẩn quốc tế.

MINH HẢI

SGGP

Leave a Reply

Your email address will not be published.