Thuốc thử tìm nCoV của Việt Nam ra đời như thế nào?

Khi dịch bệnh mới bùng phát, cách xét nghiệm duy nhất ở Việt Nam là giải mã trình tự gene, mất 4 ngày, nếu dịch lây lan sẽ không thể kịp thời phát hiện. 

Quy trình này được Tổ chức Y tế thế giới WHO chính thức công bố ngày 17/1, sau khi Trung Quốc tuyên bố dịch và chia sẻ bản đồ gene virus corona mới. 

Việt Nam lúc đó chưa có bệnh nhân nghi ngờ cần xét nghiệm. Nếu xét nghiệm, chỉ có thể dùng phương pháp giải mã trình tự gene, so sánh với bản đồ gene trên thế giới để xác định tác nhân vi sinh vừa tìm được thuộc chủng nào, gần giống với chủng nào. Trường hợp gửi mẫu ra nước ngoài, cũng phải đợi kết quả lâu, trong tình huống dịch lây lan nhanh sẽ khó chống chọi. 

Dựa quy trình xét nghiệm của WHO, Viện trưởng Pasteur TP HCM Phan Trọng Lân và các chuyên gia Viện Pasteur TP HCM đã dùng trình tự primer và probe, đề xuất một công ty trong nước nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm nhanh. Cận Tết, nhiều cán bộ của nhà máy sản xuất đã về quê được gọi trở lại làm việc.

Sáng 22/1, có sinh phẩm trong tay, các chuyên gia y tế yên tâm vì “đã có vũ khí” để kiểm dịch. Thời điểm đó cái tên nCoV còn quá mới mẻ, chưa từng được biết đến về đặc tính dịch tễ và thiếu sinh phẩm xét nghiệm. 

“Ngay từ khi dịch xảy ra ở Trung Quốc, chúng tôi dự báo khả năng dịch sẽ vào Việt Nam, phải phối hợp chuẩn bị sẵn sàng ứng phó. Nếu đợi qua Tết có thể không kịp”, ông Lân nói. 

Ngay tối hôm đó, hai bệnh nhân nghi nhiễm nCoV đầu tiên ở Việt Nam nhập viện Chợ Rẫy. 

Viện trưởng Pasteur TP HCM Phan Trọng Lân khi trả lời phỏng vấn trực tuyến trên VnExpress ngày 1/2. Ảnh: Giang Huy.

Nhờ sinh phẩm xét nghiệm nhanh, ngày 23/1, tức 29 Tết, cả hai bố con có kết quả dương tính. Ngày 24/1 Bộ Y tế họp về công tác chống bệnh Covid-19. Cả nước vào cuộc, chính phủ họp khẩn, các cơ quan ban ngành bắt đầu xuyên Tết chỉ đạo phòng chống dịch.

Theo phó giáo sư Lân, nhờ có sinh phẩm kịp thời, các bác sĩ Viện Pasteur đã rút ngắn thời gian xét nghiệm phát hiện ca bệnh nhanh chóng, góp phần kiểm soát dịch kịp thời, có cơ sở pháp lý để cách ly bệnh nhân. Nếu đợi vài ngày mới có kết quả, khi ra dương tính thì có thể khối tiếp xúc đã rất lớn. Càng để lâu sẽ càng khó kiểm soát, hao tổn nguồn lực, diện lây lan rộng.

Viện Pasteur TP HCM dùng kỹ thuật xét nghiệm Realtime RT-PCR phát hiện gene của nCoV để xác định trường hợp nhiễm bệnh theo quy trình được WHO khuyến cáo.

Theo quy trình này, phải thực hiện lần lượt 3 phản ứng. Viện đã tiến hành cùng lúc 3 phản ứng, nhằm có thể rút ngắn thời gian trả lời kết quả sớm nhất có thể là từ 3,5 đến 4 giờ.

Ngoài các hệ thống thiết bị bán tự động, Viện đang có các hệ thống thiết bị tự động với công suất lớn (xét nghiệm đồng thời 96 mẫu một lần) khi lượng mẫu xét nghiệm tăng đột biến. Viện cũng đã chuẩn bị nguồn sinh phẩm sẵn sàng đáp ứng xét nghiệm ở các cấp độ tình huống từ ít ca xâm nhập, đến lây lan trong cộng đồng và tình huống xấu nhất là bùng phát tại địa phương.

“Công việc dự phòng không chỉ là ứng phó kịp thời khi dịch bệnh nổi lên, mà đó là cả quá trình thầm lặng, kiên trì quanh năm suốt tháng; sự chủ động, chuẩn bị tốt, tâm huyết đêm ngày của từng bộ phận trong toàn hệ thống”, ông Lân nói.

Viện Pasteur TP HCM đang nghiên cứu, hợp tác cùng một số đơn vị phát triển các test kit giúp sàng lọc cho kết quả nhanh hơn, áp dụng tại thực địa. Nhờ vậy sẽ sàng lọc ban đầu các ca nghi ngờ và chỉ chuyển tuyến trên những mẫu sàng lọc dương tính.

“Qua các đợt dịch SARS, MERS, chúng tôi có được bài học về phát hiện sớm, xét nghiệm ngay, quản lý ca bệnh, người tiếp xúc và cách ly nguồn bệnh “, ông Lân phân tích.

Lê Phương – vnexpress

Leave a Reply

Your email address will not be published.