Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 tăng 6,2%

Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8%. Theo đà của tháng 5, hoạt động thương mại dịch vụ trong nước tháng 6 tiếp tục tăng trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước tính đạt 431 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung quý II/2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.154,9 nghìn tỷ đồng, giảm 5,8% so với quý trước và giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 928,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4% so với quý trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 108,5 nghìn tỷ đồng, giảm 14% so với quý trước và giảm 26,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, giảm 68,2% so với quý trước và giảm 77,8% so với cùng kỳ năm trước…

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.380,8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 5,3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 1.895,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,6% tổng mức và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung hàng hóa dồi dào, bên cạnh đó hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội nên vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5%; may mặc giảm 1,2%; phương tiện đi lại giảm 3,5%; vật phẩm văn hoá, giáo dục giảm 6%.

Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Hải Phòng tăng 10,4%; TPHCM tăng 10,1%; Hà Nội tăng 9,9%; Đồng Nai tăng 8,4%…

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm nay ước tính đạt 234,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,9% tổng mức và giảm 18,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,2%), trong đó quý II/2020 giảm mạnh 26,1% do ảnh hưởng của tháng thực hiện giãn cách xã hội.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương: Khánh Hòa giảm 60,3%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 49,4%; TPHCM giảm 47,3%…

Doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng ước tính đạt 10,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,4% tổng mức và giảm 53,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,4%) do việc tạm dừng tiếp nhận khách du lịch quốc tế để khống chế dịch COVID-19, đồng thời trong tháng 6 học sinh và sinh viên chưa nghỉ hè nên du lịch nội địa còn kém sôi động.

Một số địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 6 tháng giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Khánh Hòa giảm 73,5%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 71,2%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 66,2%…

Thực tế, hiện nay ngành du lịch Việt Nam đã có nhiều nỗ lực phục hồi tăng trưởng dựa vào nguồn khách du lịch nội địa. Theo các chuyên gia du lịch thế giới và Việt Nam, ngành du lịch sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi sau đại dịch COVID-19 và chỉ có thể phục hồi sau khi dịch được kiểm soát, các hoạt động kinh tế hoạt động trở lại bình thường. 

Hiện nay, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ cũng như các nước trong khu vực, trong khi đó, tại Việt Nam, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, do đó, thị trường du lịch nội địa có khả năng phục hồi nhanh hơn. 

Anh Minh – VGP



Leave a Reply

Your email address will not be published.