Kinh tế ban đêm ngày càng chiếm tỉ trọng lớn trong nhiều nền kinh tế trên thế giới. Ở nhiều điểm du lịch nổi tiếng, cuộc sống về đêm mới là điểm nhấn thú vị cho du khách và cũng là “mỏ vàng” cho địa phương. Còn tại Việt Nam, khái niệm này cũng bắt đầu được chú ý trong thời gian gần đây.
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương – Ảnh: VGP/Thùy Linh
Mới đây, ngày 27/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam, mở đường cho kinh tế ban đêm phát triển. Mục tiêu của Đề án là khai thác tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, đồng thời hạn chế những rủi ro, tác động tiêu cực đối với công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Theo đó, Chính phủ cho phép thí điểm kéo dài thời gian tổ chức các hoạt động dịch vụ ban đêm đến 6 giờ sáng hôm sau tại một số điểm, khu du lịch hấp dẫn và có điều kiện thuận lợi để quản lý rủi ro hoạt động dịch vụ ban đêm ở một số thành phố/trung tâm lớn, nơi có đông lượng khách du lịch, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, TPHCM, Đà Nẵng, Hội An, Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ, Đà Lạt, Phú Quốc. Trên cơ sở thí điểm sẽ đánh giá hiệu quả hoạt động và công tác quản lý hoạt động kinh tế ban đêm ở những nơi đã lựa chọn để xây dựng, hoàn thiện mô hình hoạt động kinh tế ban đêm và sau đó sẽ nhân rộng ra các địa phương khác…
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc ban hành Đề án phát triển kinh tế ban đêm thể hiện quyết tâm không bỏ qua bất kỳ cơ hội nào cho tăng trưởng kinh tế của Chính phủ. Quyết định 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là một bước tiến mới, thể hiện cái nhìn mới, tư duy mới về tầm quan trọng của kinh tế ban đêm mà trong thời gian qua Việt Nam vẫn chưa tận dụng tốt cơ hội để phát triển.
Phát triển kinh tế ban đêm dần được quan tâm bởi nó góp phần tận dụng tối đa thời gian, tạo thêm những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa các hoạt động kinh tế, đồng thời, phục vụ tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của người dân, người nước ngoài, đặc biệt là khách du lịch, mang lại cơ hội và động lực mới cho nền kinh tế của đất nước.
TS. Lê Đăng Doanh cho biết, trên thực tế, kinh tế ban đêm cũng xuất hiện tại một số đô thị và các trung tâm du lịch lớn tại Việt Nam như Hà Nội có phố Tạ Hiện, TPHCM có phố Bùi Viện, chợ đêm Bến Thành… Một số địa phương cũng đã triển khai kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm dưới nhiều hình thức như mở các tuyến phố đi bộ, chợ đêm, khu mua sắm, khu ẩm thực… Tuy nhiên, các hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam nhìn chung còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa được quy hoạch, sắp xếp bài bản và còn ít hoạt động vui chơi giải trí có tổ chức chuyên nghiệp, do đó chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo TS. Lê Đăng Doanh, kinh tế ban đêm cần phải có khuôn khổ pháp luật và khuyến khích văn hóa lành mạnh để có thể phát triển. “Lâu nay, vẫn có nhiều người thành kiến với cụm từ kinh tế ban đêm. Tôi nghĩ rằng tốt nhất các thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM,…khi triển khai mô hình này nên hình thành một số khu riêng biệt để tránh những người xung quanh cảm thấy ồn ào. Mỗi địa phương khi áp dụng nên có một kế hoạch rõ ràng, trước khi tổ chức thực hiện cần thuyết phục và thảo luận với người dân trong khu vực để tránh những hiểu lầm, sự phản đối không cần thiết”, TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Đồng thời, ông Doanh cũng cho rằng, các thành phố cũng cần công bố bản đồ du lịch viết bằng nhiều thứ tiếng, ghi rõ bản đồ du lịch sẽ mở những khu phố riêng nào, có những sản phẩm gì để du khách có thể vui chơi, thăm quan, mua sắm,… giống việc các thành phố lớn khác trên thế giới vẫn làm như Roma (Italy), Paris (Pháp), họ đều phát miễn phí một bản đồ, có ghi thông tin những khu phố rõ ràng hoạt động ban đêm.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Ảnh: VGP/Thùy Linh
Còn theo chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, vai trò của kinh tế đêm rất quan trọng, ngoài tăng nguồn thu trực tiếp cho ngân sách Nhà nước thông qua thuế, kinh tế ban đêm còn cho thấy thành phố đó có tiềm năng để đầu tư hay không. Bởi một thành phố có kinh tế ban đêm sôi động cũng là lợi thế để thu hút các nhà đầu tư.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện tại nhiều địa phương giới hạn khung giờ bán hàng tới 24h thì khó có nền kinh tế đêm phát triển. Bởi thế, trước hết phải có quy định bán hàng 24/7. Cùng với đó, muốn phát triển kinh tế ban đêm, phải có cách làm đa dạng về chủng loại mặt hàng và đặc biệt là tạo điểm nhấn theo địa phương. Trước hết, phải có nghiên cứu để các dịch vụ, mặt hàng “bảo đảm tính địa phương tốt nhất”, nghĩa là tùy từng địa phương sẽ có hướng phát triển ngành nghề kinh doanh đêm khác nhau.
Theo các chuyên gia, sau “cởi trói” về tư tưởng chính là tháo bỏ bó buộc về chính sách, khuôn khổ pháp lý để kinh tế đêm tồn tại và phát triển. Việc phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam cần sự đầu tư bài bản và chính sách đồng bộ hơn, bao gồm các khu vực riêng, được quy hoạch dài hạn và phát triển hạ tầng điện, nước… Đồng thời, cần có quy hoạch cụ thể, không nên phát triển đại trà rộng khắp nếu chưa có biện pháp quản lý hiệu quả.
Thùy Linh
>>Bài 2: Phát triển kinh tế đêm: Nhìn từ Hà Nội xưa
VGP