Quyền lợi người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm

Dù đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, song người tiêu dùng vẫn đang bị xâm phạm quyền lợi với số vụ việc ngày càng gia tăng.

Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), nếu như năm 2011 tổng đài tư vấn của Cục chỉ nhận được 26 cuộc gọi phản ánh về tình trạng bị vi phạm quyền lợi thì năm 2020, tổng đài đã nhận được hơn 8.000 cuộc gọi cần tư vấn, khiếu nại của người tiêu dùng.

Các phản ánh của người tiêu dùng chủ yếu liên quan đến dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, tín dụng tiêu dùng; hàng hóa tiêu dùng hàng ngày; dịch vụ điện thoại, viễn thông…

Những con số nói trên một mặt cho thấy người tiêu dùng đã chủ động hơn trong việc tố cáo, phản ánh những hành vi vi phạm quyền lợi của chính họ, song mặt khác cũng bộc lộ rõ thực trạng gia tăng các hành vi xâm phạm quyền người tiêu dùng.

Tình trạng này càng xuất hiện nhiều hơn khi có sự phát triển của thương mại điện tử. Lợi dụng hình thức kinh doanh online, người mua không xem hàng trực tiếp, nhiều đối tượng đã tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào thị trường online hòng kiếm lợi nhuận lớn.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực khuyến mại, tình trạng này còn bất cập hơn. Người tiêu dùng mong được thưởng, chấp nhận mua hàng giá cao ngất ngưởng so với giá trị thật, nhưng rồi thực tế họ lại không nhận được phần thưởng như những gì mà bên bán hứa hẹn, nhất là tình trạng khuyến mãi mua hàng qua điện thoại, hàng giao tận nhà trả tiền…

Có thể nói, bên cạnh  những mặt tích cực mà sự phát triển của công nghệ thông tin, nền tảng số hóa đem lại, cũng xuất hiện mặt trái của sự phát triển này. Đó là thực trạng thông tin cá nhân của người tiêu dùng bị lộ, khiến cho tình trạng xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng có phần gia tăng.

Không khó để một doanh nghiệp (DN) có thể mua được danh sách khách hàng với thông tin chi tiết từ số điện thoại, email, nơi ở, thông tin cá nhân… Các DN sử dụng những thông tin này để gọi điện, nhắn tin, gửi email với những mục đích khác nhau, và đã xuất hiện nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, lừa đảo người tiêu dùng trong nhiều lĩnh vực, nhất là hành vi mượn danh các ngân hàng để móc tiền người dân bằng thẻ tín dụng “ma” xuất hiện khá nhiều thời gian qua.

Thiết nghĩ, bản thân mỗi người tiêu dùng cần phải chủ động hơn trong việc bảo vệ quyền lợi của chính mình, bằng cách quay lưng lại với hàng rẻ tiền, hàng “fake” cũng như sẵn sàng tố giác những hành vi sai trái của DN vi phạm. Song bên cạnh đó, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, chế tài mạnh tay hơn của nhà quản lý.

http://daidoanket.vn/



Leave a Reply

Your email address will not be published.