Thời gian qua, dư luận và cử tri vẫn băn khăn việc có hay không sự bắt tay giữa một số ngân hàng và các công ty bảo hiểm để các nhân viên ngân hàng tư vấn sai sự thật.
Thông tin từ Bộ Công an, đến ngày 31/5/2023 đơn vị này đã tiếp nhận 6.060 khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm tố cáo Ngân hàng SCB móc nói với công ty bảo hiểm Manulife có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.
Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đã đưa ra con số này, đồng thời nêu ý kiến về báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023.
Đây là một trong những nội dung được thẩm tra tại phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Tư pháp sáng ngày 6/9.
Đã có sự bắt tay của doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng
Theo báo cáo của Chính phủ, trong kỳ báo cáo (từ 1/10/2022 đến ngày 31/7/2023), đã phát hiện 4.946 vụ phạm tội về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 13,6%), 679 vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ (nhiều hơn 71,46%).
Các cơ quan đã phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong các lĩnh vực với phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”, thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt.
Kết quả tiếp theo được nêu tại báo cáo là đã đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo.
Điển hình là các vụ án Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC, vụ án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tân Hoàng Minh, vụ án Công ty Việt Á, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC.
Chính phủ đánh giá, tình hình tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu còn diễn ra phức tạp.
Nổi lên là, các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động kiểm định an toàn phương tiện giao thông, đào tạo, sát hạch lái xe, khai thác tài nguyên, khoáng sản; vi phạm quy định về quản lý tài sản công, đấu thầu, đấu giá với thủ đoạn thông đồng, móc ngoặc giữa chủ đầu tư, nhà thầu với đơn vị thẩm định nhằm tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản Nhà nước.
Bên cạnh đó còn có phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, có sự cấu kết giữa doanh nghiệp và cán bộ ngân hàng, Chính phủ nhận định.
Báo cáo dẫn chứng, tại Hà Nội khởi tố 5 bị can trong đó có chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Bankland với thủ đoạn lập dự án không có thật, dự án trên đất nông nghiệp sau đó quảng cáo để lôi kéo khách hàng dưới hình thức “phiếu đặt cọc thiện chí” rồi chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương, chủ yếu là các sai phạm trong công tác thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng và quản lý, sử dụng đất đai với mục đích trục lợi…
Cần nâng cao việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu
Trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, bà Mai Thị Phương Hoa nêu số liệu về tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 71,46% số vụ, tăng 116,17% số đối tượng, đặc biệt số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng 312,5%.
Điều này cho thấy công cuộc chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, thể hiện quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, nên việc phát hiện và xử lý ngày càng nhiều, nhóm nghiên cứu đánh giá.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đánh giá, việc để xảy ra nhiều vụ tham nhũng thể hiện công tác quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế.
Đáng chú ý là sai phạm trong các vụ án hầu hết đều liên quan đến người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý nhà nước đã lợi dụng triệt để những lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi, bà Hoa nhấn mạnh.
Do đó, theo nhóm nghiên cứu, vấn đề cần đặt ra là cần nâng cao hơn nữa việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, người có thẩm quyền, kiểm soát hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật.
Một vấn đề được rất nhiều người quan tâm chính là dư luận và cử tri vẫn băn khoăn với vấn đề nổi lên thời gian qua như việc có hay không sự bắt tay giữa một số ngân hàng và các công ty bảo hiểm để các nhân viên ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời gọi khách hàng chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm đầu tư.
Bên cạnh đó, còn có hành vi tư vấn mua bảo hiểm của nhân viên công ty bảo hiểm không đầy đủ các nội dung hợp đồng hoặc sai lệch thông tin hợp đồng bảo hiểm… Hậu quả, đến nay với hàng nghìn đơn tố cáo, khiếu nại của người dân làm ảnh hưởng đến lòng tin của người dân với hệ thống ngân hàng và bảo hiểm, bà Hoa nêu.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu dẫn con số đáng chú ý, đó là đến ngày 31/5/2023, Bộ Công an đã tiếp nhận 6.060 khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm và tố cáo Ngân hàng SCB đã móc nối với Công ty bảo hiểm Manulife có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng.
Ngày 10/6, Bộ Tài chính đã kết luận thanh tra 4 công ty bảo hiểm có bán bảo hiểm qua ngân hàng và phát hiện nhiều sai phạm, đặc biệt là khâu tư vấn của nhân viên ngân hàng, nhân viên môi giới. Hiện đang tiếp tục thanh tra tiếp 10 doanh nghiệp bảo hiểm chưa có kết luận.
Trước tình trạng này, nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát, làm rõ những bất cập trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh đấu thầu, mua vực sắm tài sản công, thuế, bảo hiểm, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm xe cơ giới, đào tạo và sát hạch lái xe, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phiếu lý lịch tư pháp và các lĩnh vực khác dễ phát sinh tham nhũng để kịp thời hoàn thiện bất cập về mặt chính sách.
Theo TPO