iPhone, tai nghe giảm giá hơn 10 triệu đồng là trò lừa đảo ngày sale 11/11

Tại các sàn thương mại điện tử, trong đợt khuyến mại 11/11, mức giá sau khi đã giảm của nhiều mẫu điện thoại, tai nghe thậm chí còn cao hơn giá bán trung bình trên thị trường.

Việc nâng sản phẩm lên mức giá “trên trời” rồi hạ xuống để kích thích nhu cầu mua sắm của người dùng đã xuất hiện tại Việt Nam trong nhiều năm. Mỗi dịp các sàn thương mại điện tử tổ chức chương trình giảm giá, tình trạng này lại tái diễn.

Tìm kiếm với từ khóa “iPhone 11 Pro Max” trên các sàn thương mại như Lazada, Shopee, người dùng không khó để tìm thấy một số gian hàng quảng cáo rằng thiết bị được giảm với mức giá lên tới hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là chiêu trò giảm giá ảo để lôi kéo, dụ dỗ khách hàng.

iPhone, tai nghe giảm giá hơn 10 triệu đồng là trò lừa đảo ngày sale 11/11 - 1

Giá bán sau khi đã giảm 10 triệu đồng của chiếc iPhone 11 Pro Max ở gian hàng này thậm chí vẫn cao hơn mức giá trung bình trên thị trường.

Tại một gian hàng trên Lazada, chiếc iPhone 11 Pro Max phiên bản 64 GB hàng quốc tế xách tay từ thị trường Mỹ (mã LL/A) nguyên seal được quảng cáo là giảm giá 26%, từ 38 triệu đồng xuống còn 28 triệu đồng.

Ở một gian hàng khác trên Shopee, phiên bản tương tự được quảng cáo rằng có mức giảm giá 5 triệu đồng, từ 32 triệu đồng xuống còn 27 triệu đồng.

Trong khi đó, iPhone 11 Pro Max hàng xách tay nguyên seal đang được các cửa hàng tại Việt Nam chào bán với giá dao động khoảng 24-25 triệu đồng cho phiên bản 64 GB. Thậm chí, đối chiếu sang thị trường chính ngạch, chiếc iPhone 11 Pro Max chính hãng 64 GB hiện cũng chỉ có giá 26 triệu đồng. Như vậy, mức giá mà các gian hàng trên còn cao hơn giá bán trên thị trường.

Phóng viên Dân trí cũng thử tìm kiếm giá bán của một số mẫu máy khác như iPhone 11 hay XS Max. Kết quả thu về cho thấy tình trạng giảm giá ảo vẫn xuất hiện tràn lan trên các sàn thương mại điện tử. Mức giá sau khi đã giảm của những sản phẩm này thậm chí còn cao hơn giá bán trung bình trên thị trường.

“Mỗi dịp triển khai các chương trình khuyến mại giảm giá, nhiều gian hàng lại sử dụng chiêu trò này để thu hút sự chú ý từ người dùng. Chúng tôi đã sử dụng hệ thống AI để hạn chế tình trạng giảm giá ảo nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để”, đại diện một sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam trao đổi với Dân trí.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều sản phẩm công nghệ khác như máy ảnh, tai nghe cũng bị “thổi giá” một cách vô lý. Tại một gian hàng trên Lazada, chiếc tai nghe Huawei Freebuds Pro được quảng cáo là có mức giảm giá lên tới 55%, từ 10 triệu đồng xuống chỉ còn 4,5 triệu đồng. 

Tuy nhiên, đây là mức giá hoàn toàn sai sự thật. Trên thực tế, khi được giới thiệu tại thị trường Việt Nam, chiếc tai nghe này chỉ có mức giá 4,5 triệu đồng, thay vì 10 triệu đồng như thông tin được đưa ra.

iPhone, tai nghe giảm giá hơn 10 triệu đồng là trò lừa đảo ngày sale 11/11 - 2

Gian hàng tự đặt giá gấp đôi cho sản phẩm, sau đó giảm để lôi kéo khách hàng.

“Việc định giá sản phẩm đăng bán do mỗi người bán tự quyết định. Các gian hàng sẽ hiển thị mức độ uy tín thông qua các chỉ số như tỷ lệ phản hồi, tỷ lệ đánh giá chất lượng, đánh giá từ người mua trước. Người dùng nên dựa vào đó để đưa ra quyết định mua hàng”, đại diện một sàn thương mại điện tử khác cho biết.

Trên thực tế, chiêu trò “làm giá” sản phẩm này đã được nhiều cửa hàng kinh doanh áp dụng vào mỗi dịp xả hàng. Nó cũng thường xuyên xuất hiện trong mỗi chương trình khuyến mại như Black Friday hay Ngày độc thân. Vì thế, trước khi quyết định mua một mặt hàng, người dùng nên so sánh giá của sản phẩm đang sale với giá thị trường hoặc giá tại một số cửa hàng khác.

Hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Lazada hay Shopee đều có phần đánh giá đối với các gian hàng. Trước khi lựa chọn bất cứ sản phẩm nào, người dùng nên tham khảo qua thông tin ở phần này để có thể chọn được một gian hàng uy tín.

Theo Dantri

Leave a Reply

Your email address will not be published.