Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo phải được xem là khâu đột phá

Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định, phải đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trên nền tảng của khoa học-công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, thời gian qua, KHCN và đổi mới sáng tạo đã đóng góp đáng kể cho tăng trưởng và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, tiềm lực KHCN quốc gia được củng cố theo hướng phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng và địa phương, gắn với mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KHCN trong từng giai đoạn.

Tuy nhiên, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, KHCN và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế-xã hội, cho tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và tăng năng suất lao động xã hội.

Trình độ KHCN quốc gia nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm các nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Năng lực KHCN và đổi mới sáng tạo còn hạn chế, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún, vẫn còn ít hoạt động nghiên cứu và phát triển trong khu vực DN. Các trường đại học thiên về đào tạo hơn nghiên cứu, tính ứng dụng chưa cao, thiếu sự kết nối hiệu quả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và khu vực kinh doanh, dịch vụ công…

PGS.TS. Trần Quốc Toản. Ảnh: VGP/H-Giang

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, PGS.TS. Trần Quốc Toản, chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm VPCP, cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần phải coi phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo là khâu đột phá, để nâng cao năng suất, chất lượng và tham gia vào chuỗi cung ứng thị trường thế giới. Đây cũng là nhân tố cốt lõi để đất nước không rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”.

Tuy chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam có bước cải thiện tích cực trong các năm gần đây (theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, năm 2019, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tiếp tục được cải thiện lên vị trí 42/129 nền kinh tế, tăng 17 bậc so với năm 2016), song chỉ số kinh tế tri thức (KEI) – một chỉ số phản ánh đổi mới sáng tạo trực tiếp tạo động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, lại đang còn rất hạn chế (tuy đã có sự cải thiện).

Chỉ số KEI của Việt Nam năm 2019 là 3,51, trong đó chỉ số sáng tạo là 2,72, thấp hơn nhiều so với Singapore (8,44), Malaysia (6,07), Thái Lan (5,52). Đổi mới sáng tạo của Việt Nam còn khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực, thể hiện ở số phát minh, sáng chế được áp dụng ở Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với các nước.

Ngoài ra, thị trường KHCN hiện nay dù đã có bước phát triển nhất định, song nguồn cung thị trường KHCN chậm phát triển. Số DN có đầu tư tham gia nghiên cứu trong lĩnh vực KHCN chỉ chiếm tỉ trọng gần 9%; số DN có hoạt động trực tiếp liên quan đến nghiên cứu khoa học và phát triển chỉ khoảng gần 400, quá ít so với quy mô trên 750.000 DN đang hoạt động trên các lĩnh vực hiện nay. “Bên cầu” của thị trường KHCN còn kém phát triển cả về quy mô, trình độ và chất lượng, chưa tạo thành sức hút mạnh để thúc đẩy “bên cung” phát triển, đổi mới sáng tạo gắn với ứng dụng vào thực tiễn…

Hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

PGS.TS. Trần Quốc Toản cho hay, điểm mới về nhận thức trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng về vai trò của KHCN là không chỉ nhấn mạnh phát triển và ứng dụng KHCN, mà còn đề cao yêu cầu đổi mới sáng tạo như một định hướng trung tâm của phát triển trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tăng tốc.

Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII cũng nêu rõ, phải phát triển hệ thống sáng tạo quốc gia, hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, lấy DN là trung tâm ứng dụng công nghệ và phát triển sản phẩm, các trường đại học và các viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu và phát triển; tạo cơ chế liên kết hữu cơ giữa các cơ sở nghiên cứu với các DN trên cơ sở chia sẻ về trách nhiệm và lợi ích tương hỗ.

Nội dung dự thảo cũng cho thấy, lần đầu tiên, Đảng chính thức xác định phải xây dựng và hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Xây dựng môi trường hoạt động KHCN dân chủ, công khai, minh bạch; khắc phục tình trạng quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, hành chính hóa trong hoạt động KHCN; tạo động lực nền tảng, quan trọng nhất cho phát triển đất nước nhanh, bền vững trong giai đoạn mới.

Phân tích rõ hơn, PGS.TS. Trần Quốc Toản cho biết, trên thế giới, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước, nhất là giữa các nước lớn, diễn ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, an ninh, quốc phòng… và được quy tụ thành cạnh tranh vị thế quốc gia, cạnh tranh năng lực tự chủ và phát triển của đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Ẩn sâu bên trong các cuộc cạnh tranh chiến lược là cạnh tranh về sở hữu trí tuệ nhân tạo, về công nghệ cao. Ai sở hữu trí tuệ nhân tạo, công nghệ cao là người đó nắm được vận mệnh của sự phát triển. Đối với các nước lớn, đó là khả năng chi phối và “cầm trịch” các thể chế phát triển và “luật chơi” trên thế giới. Đối với các nước nhỏ và đang phát triển, thì đó là khả năng vươn lên, không bị tụt hậu, không bị lệ thuộc, thụ động trong quá trình phát triển. Quá trình đổi mới sáng tạo đang diễn ra mạnh mẽ ở rất nhiều nước trên thế giới với những cấp độ khác nhau, đặt ra những cơ hội lớn và những thách thức không nhỏ.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đổi mới sáng tạo giữ vai trò then chốt đối với phát triển mọi mặt của xã hội, nhất là tăng trưởng kinh tế. Động lực tăng năng suất lao động quan trọng nhất chính là đổi mới sáng tạo, trọng tâm là phát triển và ứng dụng công nghệ cao.

Đổi mới sáng tạo được xác định với 5 trụ cột đầu vào là thể chế vĩ mô, nguồn nhân lực và nghiên cứu, kết cấu hạ tầng, thị trường và môi trường kinh doanh, cùng 2 trụ cột đầu ra là sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo. Tùy theo điều kiện cụ thể, mỗi nước có thể lựa chọn con đường và mô hình cụ thể cho mình. Sự thành công tùy thuộc vào khả năng nhận biết, nắm bắt, ứng dụng và phát triển tiến bộ công nghệ của mỗi nước. Hiện nay, các nước trong khối ASEAN cũng đã nhận thức rõ vấn đề này.

Nếu nước ta vẫn tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng theo chiều rộng, dựa vào tăng vốn và lao động giá rẻ, tăng FDI, thiếu sự lựa chọn mang tính chiến lược với quá nhiều ưu đãi không phù hợp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chất lượng không cao, thúc đẩy tham gia vào chuỗi sản xuất-chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu ở những phân khúc công nghệ thấp, chủ yếu là gia công, lắp ráp… thì hiệu quả tăng trưởng sẽ thấp và tiếp tục suy giảm.

Sự chênh lệch lớn về trình độ đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng KHCN, nhất là công nghệ cao trong một môi trường quốc tế có sự cạnh tranh gay gắt khiến cho sự thua thiệt và yếu thế luôn nằm về phía không làm chủ được công nghệ tiên tiến. Đây là một thách thức rất lớn đối với nước ta.

Do đó, con đường duy nhất là phải coi đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển và ứng dụng KHCN, nhất là công nghệ cao, là một đột phá chiến lược. Phải hiện thực hóa nhất quán chủ trương phát triển KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phải cụ thể hóa bằng các cơ chế, chính sách cụ thể đối với sự phát triển của đất nước.

Đặc biệt, phải hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo, gồm 3 cơ chế: Phát triển KHCN hướng vào ứng dụng (tạo cung), cơ chế phát triển kinh tế-xã hội dựa trên đổi mới sáng tạo (tạo cầu) và cơ chế liên kết phát triển KHCN với phát triển kinh tế-xã hội (liên kết cung-cầu). Phải ưu tiên, tập trung đầu tư trước một bước cho phát triển khoa học và đổi mới công nghệ.

Bên cạnh đó, cần đặt nhân tố con người – nguồn nhân lực chất lượng cao, vào trung tâm của sự phát triển, tạo thành “tam giác vàng”: Con người-thể chế-công nghệ, bảo đảm đồng bộ tính khả thi về KHCN, về kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường; để KHCN và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, là động lực nền tảng, quan trọng nhất thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước.

Hoàng Giang (ChinhPhu.VN)

Leave a Reply

Your email address will not be published.