Sức hút ở đâu?

Cuối tuần qua, Hội nghị “Hà Nội 2020 – Hợp tác đầu tư và phát triển” do thành phố Hà Nội tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, thu hút khoảng 1.300 đại biểu. Rất nhiều người trong số này là các nhà đầu tư tiềm năng, đang tìm kiếm những địa chỉ đầu tư an toàn và hiệu quả nhất cho những đồng vốn trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu, họ cần phải sử dụng cẩn trọng hơn rất nhiều.  

Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam có cơ hội đón làn sóng đầu tư mới mà Hà Nội là tuyến đầu trong tiếp nhận. Nhưng đâu mới là những lợi thế đặc biệt, riêng có của Hà Nội?

Tại hội nghị, nhiều nhà đầu tư cho rằng mặc dù tính tiên phong của lãnh đạo thành phố Hà Nội luôn ở top dẫn đầu, nhưng tác phong, thái độ làm việc của một bộ phận công chức cấp dưới chưa được đánh giá cao. Hà Nội nên nghiên cứu xây dựng bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp quận, huyện để có thể phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn – ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến nghị.

Chất lượng lao động là một thế mạnh đặc biệt khác của Thủ đô, nhưng dường như vẫn chưa “bung” hết tiềm năng. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, cả nước hiện có 133 trường đào tạo về công nghệ thông tin với khoảng 50.000 sinh viên tốt nghiệp/năm. Tuy nhiên, nguồn cung nhân lực cho lĩnh vực này những năm 2019 và 2020 thấp hơn nhiều so với nhu cầu, do đó, dư địa để mở rộng đào tạo lĩnh vực này còn rất lớn. Nếu có một đề án tổng thể về lĩnh vực này, với sự hỗ trợ từ Bộ Giáo dục và Đào tạo mà người đứng đầu Bộ đã cam kết, với lực lượng học sinh phổ thông có các chỉ số đáp ứng yêu cầu học về công nghệ thông tin rất tốt, Hà Nội có thể tự đào tạo nhân lực cho mình và đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các địa phương khác.

Và tất nhiên, người ta chờ đợi ở Hà Nội nhiều hơn là một động lực kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ khát vọng đưa Hà Nội trở thành trung tâm đầu não về chính trị, văn hóa của Việt Nam và Đông Nam Á, thậm chí, đến năm 2045, là một trong những trung tâm của Đông Á.

Ở thời điểm này, Hà Nội có nhiều điều kiện hết sức thuận lợi về pháp lý để hiện thực hoá khát vọng đó. Bên cạnh Luật Thủ đô, Nghị định 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đối với Thủ đô Hà Nội.   

CẨM HÀ

haiquanonline

Leave a Reply

Your email address will not be published.