‘Vai’ của DN trong xây dựng pháp luật ngày càng được chú trọng

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao sự cầu thị, lắng nghe từ Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ về những sáng kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Tại Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật tổ chức ngày 24/11, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  Vũ Tiến Lộc đã có những phát biểu khẳng định vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng pháp luật ngày càng được chú trọng và được đánh giá cao.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc kể lại câu chuyện “nghẹt thở” về xây dựng văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư khi chỉ còn 6 tháng nữa là đến thời điểm có hiệu lực mà có đến trên 50 nghị định cần sửa đổi, trên 3.000 điều kiện kinh doanh cần rà soát.

Lúc đó, có ý kiến cho rằng, có lẽ phải xin lùi bởi không đủ thời gian hoàn thành khối lượng đồ sộ như vậy.

“Tôi nhớ lúc đó Thủ tướng đã nói rằng trong Chính phủ không có chỗ để bàn lùi”, ông Lộc nói và cho hay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, VCCI… đã “chụm đầu” soi xét từng văn bản để đưa ra quyết định việc cắt bỏ, đơn giản hóa thủ tục kinh doanh.

“Và chúng ta đã thành công”, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, “cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao sự cầu thị, lắng nghe từ Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ về những sáng kiến, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp”.

Từ Nghị định 161/2005/NĐ-CP, Nghị định 24/2009/NĐ-CP cho đến Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015 đã ghi nhận trách nhiệm lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp thông qua VCCI đối với các dự thảo (từ Luật 2015 là cả đề nghị xây dựng) VBQPPL.

Về pháp luật kinh tế quốc tế, Quyết định 06/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tham vấn cộng đồng doanh nghiệp về các thỏa thuận thương mại quốc tế đã xác định quyền tham vấn của cộng đồng doanh nghiệp trong giai đoạn nghiên cứu khả thi; trong giai đoạn đàm phán và quyền hạn và trách nhiệm đầu mối tập hợp ý kiến doanh nghiệp VCCI trong giai đoạn đàm phán.

Điều này cho thấy, Nhà nước ta rất coi trọng tiếng nói của doanh nghiệp trong quá trình soạn chính sách và VCCI đã thể hiện được vai trò đại diện của cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động này.

Cộng đồng doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia ý kiến thông qua VCCI dưới nhiều hình thức đa dạng.

Bên cạnh việc tham gia ý kiến xây dựng pháp luật, cộng đồng doanh nghiệp (thông qua VCCI) còn tham gia xây dựng, hoàn thiện quy trình xây dựng pháp luật, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật để xây dựng một hệ thống pháp luật minh bạch, khả thi, hiệu lực và hiệu quả hơn (thực hiện các nghiên cứu, tham gia ban soạn thảo, tổ biên tập, tổ chuyên gia, hội đồng thẩm định, tham gia góp ý các dự thảo Luật Ban hành VBQPPL).

Trong 5 năm trở lại đây, mỗi năm VCCI nhận được hàng trăm dự thảo lấy ý kiến từ các bộ, ngành. VCCI đã triển khai lấy ý kiến doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp – là đối tượng chịu tác động của văn bản, thông qua các kênh như gửi công văn, email, tổ chức hội thảo, tọa đàm, website. Trên cơ sở tập hợp ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, nghiên cứu của chuyên gia, trung bình mỗi năm VCCI gửi đi hơn 100 văn bản góp ý với hàng trăm đề xuất kiến nghị.

Bên cạnh việc góp ý kiến bằng văn bản, VCCI còn tham gia sâu vào quy trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) khi là thành viên của ban soạn thảo, tổ biên tập và/hoặc các cuộc họp của hội đồng thẩm định. Bằng việc tham gia sâu vào quy trình này, VCCI đã thể hiện được các ý kiến góp ý hoặc phản biện của doanh nghiệp đối với những quy định dự kiến ban hành, góp phần không nhỏ hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh doanh.

Các doanh nghiệp đã có sự chủ động, tích cực hơn khi tham gia vào xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể hiện qua số lượng và chất lượng ý kiến tham gia. Đã có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời hơn giữa VCCI, các hiệp hội doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là với Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ (các cơ quan thẩm định). Nhiều cơ quan soạn thảo chủ động đề nghị tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp, nhiều cơ quan rất tích cực phối hợp với VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp nhiều lần, đối với nhiều phiên bản, tại nhiều địa phương.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, trong hoạt động giám sát, theo dõi việc thi hành pháp luật, VCCI đã thực hiện nhiều hoạt động phản ánh tiếng nói từ phía cộng đồng đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước. Điều này cũng phù hợp với nhiệm vụ của Chính phủ giao trong Nghị quyết số 19/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP về tổ chức thu thập ý kiến của các doanh nghiệp về phản biện chính sách của các Bộ, ngành và địa phương, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một trong những vai trò của VCCI thực hiện trong thời gian qua là đại diện cho tiếng nói doanh nghiệp, là cầu nối thể hiện tiếng nói của doanh nghiệp tới các cơ quan quản lý. Trong quá trình thực thi chính sách, doanh nghiệp, hiệp hội, thậm chí là chính quyền địa phương đã thông qua VCCI để nêu lên những vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật kinh doanh. 

Những hoạt động trên đã góp phần không nhỏ thúc đẩy tiến trình cải cách pháp luật, tạo môi trường kinh doanh, thuận lợi cho doanh nghiệp. Qua đó cũng nhận thấy rằng vai trò rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình theo dõi, thi hành pháp luật và là nguồn quan trọng thúc đẩy cải cách từ phía các Bộ.

Hiện tại và tương lai, các VBQPPL về kinh doanh sẽ vẫn được soạn thảo và chiếm số lượng đáng kể trong hệ thống văn bản mà cơ quan nhà nước xây dựng, do đó việc huy động sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vào quy trình này sẽ góp phần đảm bảo chính sách trở thành động lực phát triển của cộng đồng kinh doanh.

Để làm được điều này, VCCI có một số đề xuất như: nâng cao năng lực của các hiệp hội trong hoạt động góp ý và phản biện chính sách; tăng cường tính minh bạch thực chất của hoạt động xây dựng VBQPPL; xây dựng cơ chế để nâng cao tính trách nhiệm và tính chịu trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo chính sách; Nâng cao chất lượng của VBQPPL; tăng cường nguồn lực cho các tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động tham gia xây dựng VBQPPL; tập trung nguồn lực, bố trí kinh phí đầy đủ, kịp thời cho hoạt động xây dựng, ban hành VBQPPL; có cơ chế thu hút mạnh mẽ hơn sự tham gia của xã hội, người dân, các nhà khoa học, doanh nghiệp vào quá trình xây dựng pháp luật; Xây dựng và công khai hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp chính xác, thống nhất.

Nhật Nam

Theo VGP

Leave a Reply

Your email address will not be published.