Cần sớm ban hành danh mục chủng loại cây xanh đô thị

Ngày 14/8, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu đánh giá một số chủng loại cây xanh đô thị phù hợp trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích đánh giá hiện trạng hệ thống cây xanh đô thị và giải pháp nâng cao chất lượng quản lý, phát triển cây xanh đô thị trên địa bàn thành phố; Nghiên cứu bổ sung danh mục cây xanh cho đô thị tại Hà Nội; Giải pháp quản lý, bảo tồn và phát triển cây xanh đô thị; Đánh giá, xác định một số loại cây bản địa có khả năng hấp thụ, giảm thiểu bụi mịn và ô nhiễm không khí ở Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo khoa học.

Quang cảnh hội thảo khoa học.

Ông Nguyễn Đức Hưng – Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội cho biết,  trên các tuyến đường phố thuộc địa bàn 12 quận nội thành và 17 huyện, thị xã Sơn Tây, khối lượng quản lý theo phân cấp của đơn vị là 2,4 triệu m2 thảm cỏ, cây mảng, hàng rào, hoa lưu niên, cây cảnh; 1.500m2 hoa thời vụ; khoảng 194.000 cây bóng mát, 510.000 cây Keo, Tràm, Bạch đàn trên 644 tuyến đường phố của 12 quận, 107 tuyến đường cao tốc, quốc lộ, vành đai, đường tỉnh, các đường trên địa bàn các huyện, thị xã Sơn Tây. Qua số liệu thống kê chưa đầy đủ UBND cấp huyện quản lý khoảng 460.900 cây tại các địa bàn còn lại.

Ngoài ra, theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn 12 quận có hơn 8.000 cây cổ thụ (có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây có đường kính từ 50cm trở lên tại chiều cao 1,3m của cây) gồm các loài chủ yếu như: Bàng, Bằng lăng, Chẹo, Đa, Lan, Lát hoa, Lim xẹt (Muồng thẫm), Long não, Muồng đen, Hoa sữa, Sao đen, Sấu, Sưa, Xà cừ, Phượng vĩ.

Theo TS.KTS Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam, xét trên cả nước, cây xanh đường phố ở Hà Nội nổi trội hơn nhiều các thành phố khác với nhiều tuyến đường có dải phân cách rộng trồng cỏ và cây xanh… điều đó đã góp phần tạo không nhỏ tạo nên diện mạo của Thủ đô.

Mặc dù gặt hái được nhiều thành tựu trong phát triển cây xanh đô thị, nhưng chỉ số về tiêu chuẩn đất cây xanh còn thấp, chưa đạt 50 cây/km. “Với chỉ số này thì khoảng cách cây xanh trung bình đang là hơn 20m, khoảng cách quá xa cho tiêu chuẩn trồng cây đường phố – khoảng cách trồng cây tiểu mộc, trung mộc và đại mộc lần lượt là 4 – 8m, 8 – 12m và 12 – 15m” – TS.KTS Phạm Anh Tuấn chia sẻ.

TS.KTS Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam tham luận tại hội nghị.
TS.KTS Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch Chi hội Kiến trúc sư cảnh quan Việt Nam tham luận tại hội nghị.

Bên cạnh đó, đến thời điểm hiện tại, thành phố Hà Nội vẫn chưa có danh sách chính thức quy định về các loại cây bóng mát trồng, hạn chế trồng và cấm trồng trong khu đô thị. Điều này đã khiến công tác quản lý gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động trồng, thiếu cơ sở cho việc xử lý các trường hợp vi phạm trong công tác trồng cây đô thị.

Đồng quan điểm trên, các đại biểu cho rằng, để có được mạng lưới cây xanh hoàn chỉnh phát huy được tác dụng, các đơn vị chức năng cần quy hoạch tổng thể hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố; Quy hoạch mạng lưới cây xanh cho từng quận, huyện và những khu đô thị mới; Quy hoạch thiết kế trồng cây xanh, dựa trên phân loại các đường phố trong khu đô thị mới…

Cùng với đó, các đại biểu kiến nghị các đơn vị có liên quan sớm ban hành định mức kỹ thuật và giá dịch vụ công ích cho công tác quản lý, giám sát duy tu, duy trì hệ thống cây xanh đô thị, cơ chế và giá đền bù chặt hạ, di chuyển cây xanh…

Ban hành quy định về quản lý cây xanh đô thị ví dụ như trên các tuyến đường tỉnh trên địa bàn các huyện; Ban hành danh mục cây khuyến khích trồng, cây hạn chế trồng và cây cấm trồng trong đô thị để làm cơ sở phục vụ công tác quản lý, phát triển hệ thống cây xanh đô thị.

kinhtedothi.vn