Trong lúc khó khăn, phải áp dụng biện pháp cấp bách để phát triển kinh tế và hỗ trợ người dân

Ngày 16/3, tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.

TƯỜNG THUẬT: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn tăng giá xăng, 'thổi' giá đất,… - Ảnh 1.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo quy chế làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và theo thông lệ hoạt động tại phiên họp tháng 3 và tháng 8 từ năm thứ 2 của nhiệm kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành thời gian để tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi văn bản xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 2 và kỳ họp bất thường của Quốc hội, ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, từ đó tổng hợp được 6 vấn đề chính và gửi xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết bằng phiếu để chọn ra 2 vấn đề để chất vấn.

Chất vấn công tác điều hành giá xăng dầu

Theo đó, nhóm vấn đề chất vấn thứ nhất thuộc lĩnh vực công thương gồm:

– Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu. Công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua.

– Việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. 

– Giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công Thương. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế, Công an, Quốc phòng cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

TƯỜNG THUẬT: Có chuyện “găm hàng” xăng, dầu từ vĩ mô hay không? - Ảnh 2.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Phó chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 16/3. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chất vấn quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai đô thị

Nhóm vấn đề chất vấn thứ hai thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường gồm:

– Việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị;  

– Trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân;

– Việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực này;

– Việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp.

– Vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; chất thải liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19;

– Vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Tất cả các đại biểu Quốc hội đều có thể tham gia phiên chất vấn

Đây là lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo hình thức trực tiếp tại điểm cầu Nhà Quốc hội và kết nối trực tuyến từ Thủ đô Hà Nội đến các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại các phiên chất vấn trước đây chủ yếu chỉ có đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương tham dự nhưng lần này các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương, các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm đều có thể tham gia chất vấn. 

Các đại biểu Quốc hội sẽ đăng ký chất vấn và tranh luận thông qua App Quốc hội trên thiết bị cá nhân của của mỗi đại biểu.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được triển khai tối đa để phục vụ công tác điều hành của Đoàn Chủ tịch như: Hiển thị danh sách đại biểu tham gia chất vấn; hiển thị nhận dạng nhanh các câu hỏi chất vấn; triển khai hệ thống hội nghị truyền hình tại 62 tỉnh/thành phố và đảm bảo kết nối cho các đại biểu Quốc hội đang thực hiện cách ly y tế vẫn tham gia được phiên chất vấn.

UBTVQH ghi nhận nỗ lực trong điều hành giá xăng dầu, bảo đảm lưu thông hàng hóa

Trong lúc khó khăn, phải áp dụng biện pháp cấp bách để cứu nền kinh tế, hỗ trợ người dân - Ảnh 1.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên.

Sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng

Phát biểu kết luận nội dung phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh: Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng, các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát các nội dung chất vấn.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chuẩn bị tốt nội dung, tập trung trả lời vào các vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế. Đồng thời, ghi nhận nỗ lực của Bộ trưởng trong việc đề xuất một số giải pháp, nhằm khắc phục những bất cập trong phạm vi phụ trách.

Về tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, Bộ Công Thương trong việc triển khai các giải pháp để điều hành giá xăng dầu, thúc đẩy sản xuất, nhập khẩu và cung ứng xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Về thực hiện các nghị quyết, kết luận chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và Bộ Công Thương, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức thực hiện. Qua đó, đã nâng cao năng lực quản lý, góp phần ổn định thị trường, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng buôn lậu, bán hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Về các giải pháp đảm bảo lưu thông xuất nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19, nhất là mặt hàng nông sản, Chính phủ và Bộ Công Thương đã có nhiều nỗ lực đảm bảo lưu thông xuất nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch COVID-19 diễn ra phức tạp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, vẫn còn những bất cập, hạn chế, cần tập trung khắc phục. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương và các bộ, ngành triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài liên quan đến nhiệm vụ, lĩnh vực đã được chất vấn. Theo đó, cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm như sau.

Đảm bảo giá xăng dầu phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát

Một là, nâng cao năng lực dự báo, sát sao, quyết liệt hơn để ổn định nguồn cung, bình ổn giá xăng dầu, đảm bảo sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân. Có giải pháp phù hợp hơn để giải quyết được cung từ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Cân đối, điều hành kịp thời, linh hoạt giữa sản xuất, nhập khẩu dự trữ để đảm bảo nguồn cung trong ngắn hạn và dài hạn. 

Phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, các cơ quan, đơn vị liên quan để điều hành giá xăng dầu, theo sát với diễn biến của thị trường. 

Quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, kết hợp với các giải pháp về phí, thuế, hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ.

Có giải pháp hiệu quả để đảm bảo giá xăng dầu phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh kinh tế. 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, trái quy định.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả

Hai là, tiếp tục thực hiện tốt các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả.

Kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng trong đội ngũ thực thi.

Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, gắn trách nhiệm nếu xảy ra sai phạm. Hoàn thiện thể chế, chính sách và tổ chức triển khai hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, hàng giả trong thương mại điện tử.

Đồng thời, trong năm 2022 ban hành các đề án về quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu về đấu tranh, ngăn chặn hàng giả trong thương mại điện tử.

Nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường

Ba là, có giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường tiêu thụ, nhất là mặt hàng nông sản.

Khẩn trương ban hành, xây dựng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện chất lượng đối với hàng hóa xuất khẩu chính ngạch qua biên giới và cơ chế, chính sách khuyến khích xuất khẩu chính ngạch đối với một số mặt hàng xuất khẩu nông sản, nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa theo hình thức chính ngạch để đa dạng hóa và các phương thức vận tải.

Thường xuyên cập nhật thông tin tình hình trong nước và quốc tế, phổ biến cho người dân và chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất, tiến độ thu hoạch và điều tiết lượng hàng đưa lên các cửa khẩu phù hợp với năng lực, tiến độ thông quan của từng cửa khẩu.

Hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp để đảm bảo sản xuất an toàn theo yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là về phòng chống dịch COVID-19.

Tiếp tục ngoại giao, trao đổi thường xuyên với phía Trung Quốc để bàn bạc các giải pháp tháo gỡ ùn tắc, tăng hiệu suất thông quan, hướng tới thông quan thông suốt, ổn định lâu dài.

Phối hợp với các địa phương, Hiệp hội ngành hàng trong công tác thông tin thị trường. Khuyến khích tham gia các hoạt động kết nối doanh nghiệp, xúc tiến thương mại.

Chủ động nắm bắt, tận dụng ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết. Vận động hệ thống phân phối tập đoàn bán lẻ tiêu thụ, đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ chuỗi cung ứng, chú trọng giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sản phẩm thương mại điện tử./.15:01 ngày 16/03/2022

Dứt khoát phải làm chủ mặt hàng xăng dầu

Phát biểu giải trình làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là một trong những mặt hàng có tác động rất lớn tới các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô, nhất là kiềm chế lạm phát.

Vì vậy, Chính phủ đã ban hành nhiều quy định, nghị định để quản lý mặt hàng quan trọng này. Hiện có đầy đủ công cụ pháp lý để quản lý chặt chẽ mặt hàng xăng dầu, bảo đảm cung ứng cho sản xuất, cho đời sống.

Trong thời gian qua, dự trữ xăng dầu đáp ứng được yêu cầu. Qua cuộc làm việc trực tiếp với Bộ Công Thương vào đầu tháng 2/2022, Phó Thủ tướng cho biết, khi đó, dự trữ xăng dầu vẫn còn khoảng 1,2 triệu tấn. Sản xuất xăng dầu trong tháng 2 khoảng 900.000 tấn và nhập khẩu khoảng 900.000 tấn, như vậy, chúng ta có khoảng 3 triệu tấn xăng dầu. Trong khi đó, nhu cầu xăng dầu một tháng khoảng 1,8 triệu tấn.

Tuy nhiên, trong tháng 2, có tình trạng một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa, không bán hàng và giá xăng dầu tăng liên tục trong mấy kỳ liên tiếp.

Phó Thủ tướng cho biết, trong tháng 2, sản lượng của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn có suy giảm nhưng đây không phải là nguyên nhân chính gây ra tình trạng cửa hàng xăng dầu đóng cửa.

Nguyên nhân chính là do các kênh phân phối, “điều phối giữa nhà phân phối cấp 1, cấp 2, cấp 3 với các cửa hàng xăng dầu có vấn đề”.

Việc một số cửa hàng xăng dầu đóng cửa chỉ là cá biệt, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của nhân dân, người tiêu dùng do lo ngại sẽ thiếu xăng dầu.

Theo Phó Thủ tướng, hiện chúng ta chưa tự chủ được nguồn cung xăng dầu mà vẫn còn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Trong lúc khó khăn, phải áp dụng biện pháp cấp bách để cứu nền kinh tế, hỗ trợ người dân - Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Quản lý giá xăng dầu theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát, điều tiết của Nhà nước để bảo đảm ổn định vĩ mô, không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng tới sản xuất, an sinh xã hội. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Hiện nay, cả nước mới có 2 nhà máy sản xuất xăng dầu, bao gồm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đưa vào hoạt động từ năm 2009 và Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, đưa vào hoạt động năm 2018. Cả 2 nhà máy hiện đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xăng dầu cả nước (khoảng 20-21 triệu tấn xăng dầu/năm).

Bên cạnh đó, nguồn dầu thô dùng cho các Nhà máy Dung Quất và Nhà máy Nghi Sơn vẫn phải nhập khẩu. Khai thác dầu thô của chúng ta cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Nhấn mạnh tinh thần điều hành là bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống, giá cả vận hành theo cơ chế thị trường nhưng có kiểm soát, điều tiết của nhà nước để bảo đảm vĩ mô, Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có giải pháp đối với cả 3 lĩnh vực: Sản xuất, nhập khẩu và phân phối.

Về sản xuất, hiện Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã tăng sản lượng lên 105% và Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn cũng cam kết tăng công suất trở lại.

Về nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có văn bản giao bổ sung hạn mức xăng dầu nhập khẩu cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

“Về sản xuất và nhập khẩu thì chúng ta đã kiểm soát, bảo đảm cho cơ số dự trữ khoảng 2-3 tháng cho xăng dầu”, Phó Thủ tướng nói.

Chính phủ đã giao Thanh tra Chính phủ, các cơ quan pháp luật làm rõ việc dự trữ xăng dầu có bảo đảm đúng quy định như trong Nghị định mà Chính phủ đã ban hành hay không. “Trước việc đóng cửa một số cửa hàng như vậy thì phải làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm và xử lý cho bằng được”.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng làm rõ vấn đề mức chiết khấu xăng dầu bằng 0 giữa một số thương nhân phân phối và cửa hàng bán lẻ xăng dầu, một lý do mà các cây xăng đóng cửa.

Về vấn đề điều hành giá xăng dầu, Phó Thủ tướng nêu rõ, bảo đảm theo cơ chế thị trường nhưng có sự kiểm soát, không để mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng tới sản xuất, kinh tế vĩ mô.

Với tinh thần đó, Chính phủ đã thực hiện một loạt giải pháp như sử dụng Quỹ bình ổn giá, đã có nghị quyết báo cáo cấp có thẩm quyền để giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Bên cạnh đó, nếu giá xăng dầu còn tiếp tục tăng thì có cơ chế, chính sách hỗ trợ các đối tượng để bảo đảm sao cho sản xuất ổn định, giá cả ổn định.

“Tinh thần là vừa điều hành theo cơ chế thị trường, nhưng vừa phải bảo đảm kinh tế vĩ mô, bảo đảm sản xuất, đời sống, an sinh”, Phó Thủ tướng nói.

Về giải pháp dài hạn, Phó Thủ tướng cho biết, ông đã có cuộc làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam), với tinh thần dứt khoát phải làm chủ mặt hàng xăng dầu và sản xuất trong nước.

Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam sớm đầu tư xây dựng nhà máy lọc dầu tại Vũng Tàu. Bên cạnh đó, cần tăng sản lượng khai thác; chú trọng việc tìm kiếm, thăm dò thêm các mỏ dầu mới. Hiện nay, chúng ta mới đáp ứng được 50% dầu thô phục vụ sản xuất xăng dầu trong nước.

Cho rằng vẫn còn một số bất cập trong điều hành hợp đồng khoan thăm dò, Phó Thủ tướng nêu rõ, sẽ điều chỉnh cơ chế, chính sách để khi chúng ta khoan được dầu thô thì ưu tiên phục vụ cho sản xuất xăng dầu trong nước, phát huy tối đa hiệu quả của nguồn tài nguyên đặc biệt này.13:47 ngày 16/03/2022

Giảm thuế xăng dầu để bảo đảm sản xuất, kinh doanh phát triển

Trong lúc khó khăn, phải áp dụng biện pháp cấp bách để cứu nền kinh tế, hỗ trợ người dân - Ảnh 1.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Giảm thuế môi trường đối với xăng dầu để đảm bảo cho sản xuất kinh doanh và phát triển. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tham gia giải trình thêm về vấn đề bán lẻ xăng dầu được các đại biểu Quốc hội đề cập, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng có thể có hiện tượng ghim hàng, chờ bán kiếm lời chênh lệch. 

Tuy nhiên, ở đây, nếu việc chiết khấu được nhà phân phối đặt ở mức bằng 0 thì người bán hàng không còn động lực bán hàng nữa là hoàn toàn có thể.

Theo đó, cần xác định được nguyên nhân tổng hợp thì mới có được giải pháp để khắc phục giá xăng cao như hiện nay.

Xung quanh vấn đề dự trữ quốc gia Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu rõ: Chúng ta chưa tách được dự trữ quốc gia ra khỏi dự trữ thương mại. Hiện nay bản thân cơ quan quản lý cũng không biết được là các thương nhân đầu mối trong kho họ có lượng hàng bao nhiêu. Đây cũng là lỗ hổng cần được xử lý trong thời gian tới. Cần tách bạch các loại dự trữ trên. Có thể lập quỹ bình ổn giá lâu nay chúng ta tính bằng tiền, tới đây các bộ, ngành cùng tính toàn có thể bằng hàng được không?

Về điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng cho rằng đầu vào của chúng ta không chỉ mặt hàng xăng dầu mà nhiều mặt hàng khác như bằng thép, hóa chất chúng ta đều phụ thuộc vào nước ngoài. Mặt hàng dầu thô năm ngoái phải nhập gần 10 triệu tấn và năm nay dự kiến nhập khẩu trên 7 triệu tấn. Sản lượng xăng dầu dự kiến năm nay cũng đáp ứng 50% như cầu. Như vậy thì có nghĩa là chúng ta hoàn toàn phụ thuộc thị trường thế giới.

Ngành tài chính tính toán, với giá dầu thô 130 USD/thùng, thì giá cơ sở tính một lít xăng A92 là 18.855 đồng, thuế cộng vào là khoảng 30.800 đồng/lít. Tỷ lệ thuế chiếm 33,5% trên giá, như vậy giảm thuế là một giải pháp trong nhiều giải pháp đồng bộ. Khi giảm 2.000đ/l xăng, 1.000đ/l dầu thì ngân sách giảm đi trên dưới 30 ngàn tỷ đồng.

Thời gian tới, Bộ Tài chính với Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho Chính phủ và một số giải pháp, trước mắt là phải đảm bảo nguồn cung. Thứ hai là chống buôn lậu xăng dầu. Thứ ba là giảm thuế môi trường đối với xăng dầu để đảm bảo cho vấn đề sản xuất kinh doanh và phát triển.11:38 ngày 16/03/2022

Trong lúc khó khăn, phải áp dụng biện pháp cấp bách để cứu nền kinh tế, hỗ trợ được người dân

Trong lúc khó khăn, phải áp dụng biện pháp cấp bách để cứu nền kinh tế, hỗ trợ được người dân - Ảnh 1.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trao đổi với các đại biểu.

Đại biểu khẳng định việc xem xét điều chỉnh giảm thuế đối với xăng dầu trong thời điểm hiện nay là cần thiết để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng trước áp lực giá cả. Tuy nhiên, giảm sắc thuế nào cần tính toán lại, đại biểu đề nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính đưa ra giải pháp hợp lý.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, chọn sắc thuế nào, ngành công thương cũng rất cân nhắc. Qua bàn bạc trong liên ngành và báo cáo với Chính phủ, Bộ Công Thương thấy rằng, trong bối cảnh tình hình rất căng thẳng, giá xăng dầu thế giới tăng cao, để xử lý tình huống nhanh nhất chỉ có thể là thuế môi trường. Bởi việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền điều chỉnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong lúc khó khăn chúng ta giải quyết như vậy để cấp bách giảm giá, để cứu nền kinh tế, hỗ trợ được người dân. Còn trong tương lai, Bộ trưởng đồng ý cần phải nghiên cứu cho phù hợp.

Trao đổi lại với đại biểu, Bộ trưởng nhấn mạnh, mô hình của chúng ta kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất là những mặt hàng này phải có sự quản lý của nhà nước.

Mọi động thái cấp bách phải vì người dân chứ không phải mang lại gì cho bộ này, bộ kia. Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu là giải quyết bài toán cấp bách, trước mắt. Nếu điều chỉnh các sắc thuế khác, phải chờ Quốc hội sửa luật và thông qua, thì phải tới tháng 6 tháng 7. Khi đó đã hết Quỹ bình ổn mà giá thế giới tăng hàng ngày thì công tác điều hành vô cùng khó khăn.11:15 ngày 16/03/2022

Phải nâng cao năng lực sản xuất, bán cái thị trường cần

Về giải pháp bảo đảm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được lưu thông thuận lợi, thông suốt, ổn định, an toàn và đạt được mong muốn đề ra, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới, là thành viên của 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có 16 hiệp định đã có hiệu lực, gần đây nhất là hiệp định RCEP của 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác.

Hàng hóa của Việt Nam đã đến được trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ, để hưởng được lợi ích của 16 Hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là sản phẩm hàng hóa cho chúng ta có đáp ứng được yêu cầu thị trường hay không thì lại là những câu hỏi không thể chỉ đặt ra với Bộ Công Thương mà phải đặt ra với các ban, ngành và với các doanh nghiệp và người sản xuất.

Trong nền kinh tế thị trường, người sản xuất phải trả lời được các câu hỏi: Sản xuất cái gì? Bán đi đâu? Bán cho ai? Theo Bộ trưởng, hiện giờ chúng ta vẫn làm theo thói quen, làm theo tập quán là bán cái mình có chứ không phải bán cái thị trường cần. Đây là vấn đề khó!

Vì vậy để nâng được năng lực xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài để tận dụng được cơ hội với đúng nghĩa là hội nhập kinh tế thế giới thì cần lưu ý một số vấn đề như sau:

Thứ nhất, sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phải đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường.

Thứ hai, phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp Việt để đủ sức tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu thì nội lực kinh tế đất nước mới được nâng lên và hội nhập kinh tế quốc tế mới có ý nghĩa.10:58 ngày 16/03/2022

Giải quyết triệt để khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh xăng dầu

Về giải pháp căn cơ để bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp cũng như bảo đảm an ninh kinh tế đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Diễn biến xăng dầu thế giới vừa qua cho thấy nếu không có một chiến lược, giải pháp căn cơ thì trong tương lai, mặt hàng này còn gặp nhiều khó khăn.

Theo đó các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần hoàn thiện đề án chiến lược về dự trữ.

Từ góc độ quản lý nhà nước về ngành, Bộ trưởng nhận thấy trước hết phải đẩy mạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa khai thác, vừa chế biến xăng dầu.

Chúng ta có Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn do PVN làm chủ đầu tư, là một doanh nghiệp nhà nước, nhưng công suất chỉ có 6,5 triệu tấn/năm. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng cần tiếp tục nâng công suất hoặc ít nhất là duy trì công suất thiết kế để giữ nguồn cung cho xăng dầu trong nước.

Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tham mưu các cấp có thẩm quyền giải quyết một cách triệt để những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của liên danh Lọc hóa dầu Nghi Sơn để làm sao đơn vị này phải giữ được cam kết ban đầu là cung cấp cho thị trường lượng xăng dầu nội địa từ 35-40% trong kỳ.

Thứ ba, Bộ Công Thương sẽ tham mưu cho Chính phủ nghiên cứu có thể tăng cường hơn nữa Quỹ Bình ổn xăng dầu theo cơ chế trích lập giá xăng dầu bán ra thị trường trong kỳ.

Trong tương lai Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các nước, sẽ kiên trì tham mưu với cấp có thẩm quyền để vừa nâng quy mô của Quỹ bình ổn, xem xét tạo nguồn quỹ này như thế nào, từ ngân sách hay là việc trích lập trên trên mỗi lít xăng dầu để có thể có được nguồn quỹ bình ổn đúng nghĩa, tuân thủ quy luật thị trường. Muốn giữ được giá thì phải có quỹ bình ổn, còn không có quỹ bình ổn thì phải sử dụng công cụ thuế…

Giải pháp thứ tư, Bộ Công Thương tiếp tục tham mưu các cấp có thẩm quyền để nâng mức dự trữ, dự phòng. Hiện nay lượng dự trữ không lớn, chỉ tính theo ngày. Trong tương lai chắc chắn phải nâng dự phòng lên thì mới ổn định được, thậm chí ít nhất là hàng chục lần so với hiện nay.10:29 ngày 16/03/2022

Nếu doanh nghiệp vi phạm, dứt khoát sẽ xử lý

TƯỜNG THUẬT: Nếu dùng hết công cụ thuế phí mà vẫn không kìm được giá, sẽ phải áp dụng các chính sách an sinh - Ảnh 1.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Nếu doanh nghiệp vi phạm dứt khoát sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Cao nhất có thể rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về vấn đề cung cấp xăng dầu, đại biểu Phạm Xuân Hòa (Đồng Tháp) nêu thực tế khi ông đi hỏi nhiều cây xăng cho biết không có xăng để bán. Trong khi đó, Bộ Công Thương khẳng định nguồn cung không thiếu. Vậy “có chuyện găm xăng dầu từ các doanh nghiệp phân phối, đầu mối hay không?”

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, qua thanh tra 16.800 cửa hàng bán lẻ thì chỉ có 211 cửa hàng đóng cửa, trong đó phần lớn đóng cửa do sự cố kỹ thuật. Còn những nơi không có hàng thì theo Bộ trưởng, chủ yếu do nhận nguồn hàng từ Nhà máy Nghi Sơn. Do đơn vị này dừng đột ngột nên ảnh hưởng.

Tuy nhiên, việc gián đoạn chỉ mất vài ngày, Bộ Công Thương đã chỉ đạo kịp thời để chia sẻ nguồn cung. Sau một vài ngày là khắc phục.

Về lo ngại tình trạng doanh nghiệp đầu mối găm hàng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã đã tiến hành thanh tra đồng bộ 33 doanh nghiệp đầu mối. Hiện đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên vẫn chưa có dữ liệu đầy đủ nên chưa thể báo cáo cụ thể.

“Song nếu doanh nghiệp vi phạm dứt khoát sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Cao nhất có thể rút giấy phép, đình chỉ kinh doanh”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.09:55 ngày 16/03/2022

Ngăn chặn hàng nhập lậu từ sớm, từ xa thâm nhập nội địa

Về nguyên nhân và giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm nguồn các thiết bị y tế, phòng chống dịch, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, Bộ trưởng thừa nhận, trong thời điểm nhu cầu tăng cao đột biến đã xảy ra tình này.

Ngay sau khi phát hiện, Bộ đã tập trung chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường – đơn vị chủ lực trong giám sát, thanh kiểm tra, kiểm soát các hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Lực lượng quản lý thị trường đã ban hành công điện từ đầu tháng 3 tăng cường công tác quản lý thị trường, đẩy mạnh kiểm tra kiểm soát, thu giữ và xử phạt.

Kết quả là trong thời gian ngắn, lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ được 500 nghìn bộ kit thử nghiệm tại các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế…

Cùng với đó, hàng vạn sản phẩm thuốc tân dược, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc… với giá trị hàng chục tỷ đồng cũng đã bị phát hiện. Đây cũng là đợt ra quân và xử phạt vi phạm lớn nhất từ đầu năm.

Thời gian tới, ngành công thương cùng các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục ngăn ngừa từ xa, từ sớm hàng hóa nhập lậu, trong đó có vật tư y tế vào thị trường nội địa.09:50 ngày 16/03/2022

Chúng ta phải thay đổi để “thích ứng với thiên hạ”

TƯỜNG THUẬT: Nếu dùng hết công cụ thuế phí mà vẫn không kìm được giá, sẽ phải áp dụng các chính sách an sinh - Ảnh 1.
Các đại biểu dự Phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trả lời đại biểu về vấn đề ùn ứ nông sản, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, nguyên nhân là do Trung Quốc áp dụng chính sách Zero Covid nên việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn. Bên cạnh đó, là do thương nhân Việt Nam quen xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, khi chính sách phía bạn thay đổi nên gặp khó.

Bộ Công Thương đã nhiều lần khuyến nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, khuyến nghị các địa phương có phương án vùng trồng, vùng nuôi, sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng, nếu cứ làm theo cách cũ. Có gì làm nấy. Có gì bán nấy sẽ bị động. Do đó, ngành nông nghiệp cần có kế hoạch sản xuất theo yêu cầu, nhu cầu từng thị trường.

Trước mắt, tinh thần là “tắc đâu thì phải thông đấy”. Bộ Công Thương đã phối hợp với phía bạn bàn bạc các biện pháp tháo gỡ, tạo lập các vùng xanh an toàn để xuất khẩu, đơn giản hóa quy trình thủ tục tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa…

Về lâu dài, chúng ta phải thay đổi, “thích ứng với thiên hạ”, phải tập trung chuyển từ xuất khẩu nông sản theo đường tiểu ngạch sang xuất khẩu chính ngạch. Bộ Công Thương cùng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có trách nhiệm xây dựng đề án để chuyển xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch qua biên giới.

Hiện tiêu chuẩn, tiêu chí để xuất hàng tiểu ngạch, chính ngạch qua biên giới đã được Bộ Công Thương trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.08:48 ngày 16/03/2022

Giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn thế giới

TƯỜNG THUẬT: Nguồn cung, giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn thế giới - Ảnh 1.
Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đầu giờ sáng có 39 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Các đại biểu: Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn)… nêu câu hỏi về giải pháp trước mắt cũng nhưng lâu dài bảo đảm việc xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là nông sản ĐBSCL; giải pháp bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp, người dân, bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước; nguyên nhân, giải pháp khắc phục tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu; ngăn chặn tình trạng buôn lậu, găm hàng, tăng giá đối với thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19.

TƯỜNG THUẬT: Nguồn cung, giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn thế giới - Ảnh 2.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Chúng ta bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu. Biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam thấp hơn so với thế giới. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu không thiếu

Về vấn đề cung ứng xăng dầu, Bộ trưởng cho biết, vừa qua giá xăng dầu thế giới tăng đột biến, do đứt gẫy nguồn cung và khủng hoảng Nga – Ukraine. 

Ở trong nước nguồn cung xăng dầu cũng gặp khó khăn do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động đột ngột.

Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cũng đã chủ động tham mưu cho Chính phủ. Đồng thời chỉ đạo hệ thống phải nhập đủ sản lượng bù vào số lượng Nhà máy Nghi Sơn thiếu hụt. Đến thời điểm hiện tại chúng ta đủ nguồn cung xăng dầu cho hết tháng 3.

Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các doanh nghiệp tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu cao hơn mức bình thường để đảm bảo nguồn cung trong nước không lúc nào thiếu. 

Nếu sử dụng hết công cụ thuế phí mà vẫn không kìm được giá, sẽ phải áp dụng các chính sách an sinh

Về điều hành giá, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính để điều hành linh hoạt. Sử dụng hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Qua đó biên độ tăng giá xăng dầu Việt Nam (từ 29-40%) thấp hơn so với thế giới (tăng từ 40-60% tùy mặt hàng).

Tuy nhiên hiện nay, dư địa điều chỉnh của Quỹ Bình ổn giá không còn nhiều. Hai Bộ đã chủ động tham mưu cho Chính phủ, trình UBTVQH xem xét giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường. Nếu giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng cao, bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp liên quan đến thuế, phí. 

Nếu đã sử dụng hết các công cụ thuế phí mà vẫn không kìm được giá xăng dầu, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, sẽ phải áp dụng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội,…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo các lực lượng trực thuộc, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các cơ sở bán lẻ xăng dầu cố tình găm hàng tăng giá.

Cân đối xăng dầu đang đứng trước khó khăn kép; đấu giá đất vượt xa giá thị trường

8.00' TƯỜNG THUẬT: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn tăng giá xăng, 'thổi' giá đất,… - Ảnh 1.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Chúng ta cố gắng cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề để sau chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận, nghị quyết với những giải pháp sát, đúng nhất với đòi hỏi của thực tiễn, tạo chuyển biến trong các lĩnh vực được chất vấn.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, vấn đề cân đối xăng dầu đang đứng trước khó khăn kép. Cử tri, nhân dân và các đại biểu Quốc hội đều rất quan tâm đến các biện pháp của Bộ Công Thương, của Chính phủ để bảo đảm được nguồn cung xăng dầu (bao gồm cả vấn đề sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu).

Báo cáo của Bộ Công Thương đã giải trình các vấn đề này. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn qua chất vấn sẽ có câu trả lời rõ ràng, chắc chắn hơn.

Về đấu giá đất, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường. Qua đó, đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân. Việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai cũng đang rất nóng, rất thời sự.

Vì vậy, 54 Đoàn đại biểu Quốc hội đã gửi đề xuất chất vấn về Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều quan tâm đến vấn đề này.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời rõ. Đồng thời, nghiên cứu thêm ý kiến các hiệp hội về vấn đề này để xem chính sách, pháp luật có vấn đề gì và cần tiếp tục hoàn thiện như thế nào? 

Cố gắng cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai nhóm vấn đề lớn được đưa ra chất vấn không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường mà còn có trách nhiệm của các bộ, ngành khác và Chính phủ.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời thấu đáo cho đại biểu Quốc hội, cho cử tri và nhân dân.

Ông cũng đề nghị các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy kinh nghiệm chất vấn tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV. Hỏi ngắn gọn, súc tích, rõ trọng tâm, trọng điểm, sử dụng hiệu quả thời gian để chất vấn làm rõ các vấn đề. 

“Chúng ta cố gắng cùng nhau làm sáng tỏ vấn đề để sau chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kết luận, nghị quyết với những giải pháp sát, đúng nhất với đòi hỏi của thực tiễn, tạo chuyển biến trong các lĩnh vực này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Phiên chất vấn là cơ hội để Bộ trưởng trao đổi, trả lời chính thức những vấn đề đại biểu, người dân quan tâm

8.00' TƯỜNG THUẬT: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn tăng giá xăng, 'thổi' giá đất,… - Ảnh 1.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Phiên chất vấn là cơ hội để được trực tiếp trao đổi, trả lời chính thức những vấn đề đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, chất vấn đã trở thành hoạt động mang tính thường xuyên trong hoạt động của Quốc hội và trả lời chất vấn là trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành. Ông cho biết sẽ chuẩn bị tốt nhất cho phiên giải trình.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chia sẻ coi phiên chất vấn là cơ hội để được trực tiếp trao đổi, trả lời chính thức những vấn đề đại biểu Quốc hội và người dân quan tâm.

Bộ trưởng khẳng định các nội dung chất vấn lần này đều mang tính thời sự, có câu hỏi hay thì Bộ trưởng sẽ cố gắng trả lời hay, vừa hỏi vừa trao đổi để giúp hoàn thiện chính sách, pháp luật, giải pháp trong điều hành quản lý liên quan đến các lĩnh vực Bộ Tài nguyên và Môi trường phụ trách.

TƯỜNG THUẬT: Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn tăng giá xăng, 'thổi' giá đất,… - Ảnh 2.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Các nội dung được lựa chọn chất vấn lần này là đúng lúc, đúng, trúng vấn đề – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng quan điểm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định các nội dung được lựa chọn chất vấn lần này là đúng lúc, đúng, trúng vấn đề.

Đây là cơ hội cho Bộ trưởng có tiếng nói chính thức và báo cáo trách nhiệm trong quản lý điều hành cũng như tiếp thu các ý kiến để tiếp tục có giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý.

Theo VGP

Leave a Reply

Your email address will not be published.