Chờ đợi gì ở bộ phim quan trọng nhất của thế kỷ?

Bom tấn “Oppenheimer” của đạo diễn Christopher Nolan đã có mặt tại Việt Nam. Được truyền thông phương Tây đánh giá là bộ phim quan trọng nhất của thế kỷ, khán giả có nhiều lý do để chờ đợi tác phẩm đặc biệt này dù đoán trước doanh thu phòng vé có thể không bùng nổ bởi các triết lý cài cắm trong phim, và cả sự cạnh tranh thời điểm ra rạp với nhiều “siêu phẩm” khác.

Sự trở lại của đạo diễn 36 đề cử Oscar

Ngay khi ra mắt ở Mỹ, “Oppenheimer” đã nhận được mưa lời khen và đánh giá vô cùng tích cực từ cả phía các nhà chuyên môn lẫn công chúng. Trên IMDb (trang thông tin phim phổ biến và uy tín nhất trên Internet) “Oppenheimer” đã nhận được đánh giá 8,8/10 điểm từ khán giả. Chưa hết, chỉ trong 3 ngày đầu công chiếu tại Bắc Mỹ, đứa con cưng của Christopher Nolan đã thu về 80,5 triệu USD, vượt con số 77 triệu USD dự báo trước đó.

Lấy bối cảnh Thế chiến II, bộ phim tái hiện cuộc đời của nhà vật lý J. Robert Oppenheimer (do Cillian Murphy thủ vai), người được quân đội Mỹ giao nhiệm vụ dẫn đầu việc chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên. Kể từ thời điểm đó, Oppenheimer liền phải mang vác hai danh xưng cùng lúc: vừa là thiên tài, vừa là một tội đồ. Ông đã phải đối mặt với sự giày vò và đau khổ khi chứng kiến hậu quả thảm khốc từ thứ vũ khí của mình và tự gọi mình là “kẻ hủy diệt thế giới.”

Với một đề tài có sức ảnh hưởng lớn và gây tranh cãi như vậy, ngay từ khi “Oppenheimer” bắt đầu bấm máy, sự chú ý của cả cộng đồng yêu điện ảnh đã trở thành một áp lực vô hình với đạo diễn Nolan. Gần như mỗi tuần, tên của tác phẩm này đều được nhắc đến trên giao diện của những tờ báo lớn nhất Mỹ cũng như châu Âu. Sự mong chờ của khán giả càng được nối dài khi biết danh sách tham dự phim gồm toàn các diễn viên “đỉnh chóp” như: Emily Blunt, Matt Damon, Robert Downey Jr., Florence Pugh, Casey Affleck, Josh Hartnett, Benny Safdie, Kenneth Branagh, Rami Malek…

Và điều quan trọng hơn cả, phim mang thương hiệu Christopher Nolan – người được đánh giá là nhà làm phim hiện đại xuất sắc nhất Hollywood hiện nay. Các tác phẩm của ông đã thu về hơn 5 tỷ USD toàn cầu, giúp ông nhận về 36 đề cử Oscar, trong đó có 11 chiến thắng.

Bộ phim được đầu tư rất lớn, lên đến 100 triệu USD. Theo đó, người ta chờ đợi một sự tái hiện Thế chiến II một cách hoành tráng, chân thực, ám ảnh, gây sốc giống như cách mà đạo diễn Edward Berger đã làm với “Phía Tây không có gì lạ”, phiên bản chuyển thể thứ 3 từ cuốn sách cùng tên của nhà văn Enrich Maria Remarque, công chiếu năm 2022.

Sau nhiều chờ đợi và thay đổi, cuối cùng, “Oppenheimer” cũng chính thức ra mắt khán giả Việt Nam kể từ 11/8, cùng thời điểm với 5 tác phẩm khác. Trên các diễn đàn phim ảnh, nhiều khán giả than khổ khi đứng trước nguy cơ “no dồn” vì phim, chả bù trước đó “đói góp”, suốt nửa năm gần như không có bom tấn ra rạp.

“Đây là một “kiệt tác”

“Oppenheimer” dựa trên cuốn sách giành giải Pulitzer năm 2005

Bởi vì được ngợi ca quá nhiều, “Oppenheimer” sẽ phải chịu một đánh giá có phần khắt khe và kỹ tính hơn khi từng bước chinh phục khán giả mới. Trước đó, biên kịch Paul Schrader của bộ phim đình đám “Taxi Driver” đã gọi “Oppenheimer” là bộ phim hay nhất, quan trọng nhất của thế kỷ này. “Nếu bạn xem một bộ phim ở rạp năm nay thì đó phải là Oppenheimer” – Paul nói – “Tôi không phải là một người theo nhóm Nolan nhưng bộ phim này đã thổi bay cánh cửa khỏi bản lề”.

Không phụ sự kỳ vọng của Paul, “Oppenheimer” vừa ra mắt đã trở thành bom tấn phòng vé bất chấp thời lượng chiếu lên đến ba giờ đằng đẵng. Bộ phim đã vượt qua 400 triệu USD tại các phòng vé trên toàn thế giới trong vòng chưa đầy hai tuần phát hành.

Đạo diễn của phim “Bố già”, Francis Ford Coppola, mới đây cũng ca ngợi “Oppenheimer” là một chiến thắng của ngành điện ảnh khi vẫn đang “càn quét” phòng vé toàn thế giới.

Cillian Murphy thủ vai J. Robert Oppenheimer

“Oppenheimer” dựa trên cuốn sách giành giải Pulitzer năm 2005 tên “American Prometheus: The Triumph and Tragedy of J. Robert Oppenheimer” (tạm dịch: American Prometheus: Chiến thắng và bi kịch của J. Robert Oppenheimer) của hai tác giả Kai Bird và Martin J. Sherwin. Tác phẩm đi sâu vào việc khắc họa chân dung nhà vật lý lý thuyết người Mỹ J. Robert Oppenheimer ở phía sau tấm huy chương, khi ông liên tục bị giày vò bởi đau thương và hậu quả do chính phát minh của mình để lại. Tựa sách mang ẩn dụ về Prometheus trong Thần thoại Hy Lạp, người đã đánh cắp và mang lửa của các vị thần đến cho nhân loại.

Một trong hai tác giả của nguyên tác, Kai Bird cũng không nén nổi hào hứng với sự ra đời của bộ phim: “Tôi nghĩ đây là một thành tựu nghệ thuật tuyệt vời và tôi hi vọng nó sẽ kích thích một cuộc đối thoại cấp quốc gia, thậm chí toàn cầu về những vấn đề mà Oppenheimer đã khao khát lên tiếng: về cách sống trong thời đại nguyên tử, về chủ nghĩa McCarthy và vai trò của một nhà khoa học trong xã hội tràn ngập khoa học, công nghệ”.

Theo TPO