Doanh nghiệp, doanh nhân Việt cần vươn tầm thế giới 

Nghị quyết mới của Bộ Chính trị đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ có một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới, có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; đồng thời yêu cầu tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân Việt Nam phát triển và cống hiến.

Nghị quyết mới của Bộ Chính trị đặt mục tiêu tới năm 2030 sẽ có một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới, có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; đồng thời yêu cầu tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân Việt Nam phát triển và cống hiến.

Phát triển doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới.

Trong đó, Bộ Chính trị đặt mục tiêu tới năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp (DN) đạt tầm khu vực, một số DN đạt tầm thế giới; một số DN lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt. Tới năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận DN có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự buổi gặp mặt đại diện doanh nhân Việt Nam ngày 11.10

Để thực hiện mục tiêu trên, Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức với doanh nhân, DN; có cơ chế ngăn ngừa, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tham nhũng, tiêu cực đối với doanh nhân, DN; ban hành chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương…

Luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân

Hôm qua (11.10), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thường trực Chính phủ đã có buổi gặp mặt đại diện giới doanh nhân Việt Nam nhân ngày Doanh nhân Việt Nam.

Nhấn mạnh vai trò của đội ngũ DN và doanh nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 của thế giới, là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hóa quan hệ kinh tế.
Trích Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới

Việt Nam đã có gần 900.000 DN đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực DN đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc. Nhiều DN, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tập trung vào 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh công bằng, thông thoáng, bình đẳng và minh bạch; bãi bỏ các rào cản, quy định về điều kiện kinh doanh không cần thiết. Tiếp tục tạo thuận lợi, tăng tiếp cận tín dụng cho người dân, DN…

Về phía cộng đồng DN và doanh nhân, Thủ tướng đề nghị cần không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực và quốc tế. Phát huy hơn nữa tính chủ động, năng động sáng tạo để không những phát triển DN do mình làm chủ mà còn tăng cường liên kết hợp tác với nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp để nâng tầm vị thế của DN Việt Nam. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn là điểm tựa và luôn tin tưởng đội ngũ doanh nhân Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay tính riêng trong quý 3/2023, cả nước có gần 60.000 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 9 tháng năm 2023, chúng ta có 165.000 DN, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2018 – 2022.

Đáng chú ý, kết quả hoạt động kinh doanh của DN ở cả khu vực nhà nước và ngoài nhà nước đạt mức tăng trưởng tích cực so với cùng kỳ và duy trì đóng góp tốt cho ngân sách. Theo ước tính của Tổng cục Thuế, khu vực DN ngoài quốc doanh có tổng doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 đạt trên 11,8 triệu tỉ đồng, tăng 16,17% so với cùng kỳ 2022. Tính đến 30.6, tổng doanh thu của các DN nhà nước đạt gần 690.000 tỉ đồng, bằng 50% kế hoạch.

Một số tập đoàn, DN lớn đã chủ động chuyển đổi, đầu tư mạnh mẽ vào các ngành công nghiệp mới AI, chip bán dẫn, hydrogen như FPT, Viettel, PVN, hay Tập đoàn Green Solutions với dự án sản xuất hydro xanh từ nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên tại Việt Nam. Công ty VinFast đã niêm yết thành công trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ Nasdaq Global Select Market.

Xây dựng các tập đoàn nhà nước, tư nhân đủ lớn

Dù vậy, khó khăn chung của kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các DN. Khảo sát DN ngành sản xuất vào tháng 6.2023 của Navigos cho thấy hơn 50% DN ghi nhận sụt giảm từ 10 – 40% tổng doanh thu. Đặc biệt, vướng mắc về rào cản pháp lý và thực thi pháp luật, tâm lý “sợ sai”, không dám làm, không dám chịu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.

Chính phủ đã tích cực chỉ đạo nhiều giải pháp nhằm dỡ bỏ các rào cản, khó khăn về pháp lý cũng như khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, cộng đồng DN vẫn tiếp tục phản ánh các khó khăn, bất cập mới nảy sinh cộng với tâm lý “sợ sai, sợ trách nhiệm”, đùn đẩy, né tránh của một bộ phận cán bộ, công chức.


Theo báo Thanh Niên