Dự thảo Luật Đất đai: Kiên Giang kiến nghị xây dựng 1 điều riêng về lấn biển

Tại Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), đại diện tỉnh Kiên Giang kiến nghị nghiên cứu xây dựng 1 điều riêng về lấn biển.

Sáng 14/3, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với sự tham gia của các cơ quan thuộc Quốc hội, các Bộ ngành Trung ương và 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Dự thảo Luật Đất đai: Kiên Giang kiến nghị xây dựng 1 điều riêng về lấn biển - 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì hội nghị.

Tại hội nghị, đại diện các địa phương lần lượt đưa ra các góp ý, kiến nghị về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi lấy ý kiến từ Nhân dân.

Đại diện tỉnh Kiên Giang, ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh này đưa ra một số góp ý, kiến nghị trong đó có đề xuất xây dựng một điều riêng về lấn biển.

“Tại khoản 3, Điều 183 Dự thảo Luật Đất đai có quy định việc sử dụng đất có mặt nước ven biển để thực hiện dự án lấn biển. Tuy nhiên, trong thực tế, nhất là ở khu vực ĐBSCL, việc lấn biển có ảnh hưởng đến phạm vi của 3 khu vực: đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, khu vực biển.

Do đó, cần nghiên cứu Luật hóa (xây dựng 1 điều riêng về lấn biển), thực hiện dự án lấn biển theo hướng không phân biệt sử dụng các loại đất theo ranh giới hiện trạng (đất bãi bồi ven biển, dất có mặt nước ven biển, khu vực biển) mà thực hiện thủ tục đất đai theo loại đất đã hình thành sau khi lấn biển theo quy hoạch sử dụng quy hoạch dựng. Đồng thời quy định rõ phương pháp định giá đất đối với dự án lấn biển là phương pháp thặng dư”, ông Nguyễn Thanh Nhàn phát biểu tại hội nghị.

Kiên Giang cũng kiến nghị bổ sung đất bãi bồi ven biển được giao để thực hiện dự án lấn biển trong Điều 184 của Dự thảo luật.

Dự thảo Luật Đất đai: Kiên Giang kiến nghị xây dựng 1 điều riêng về lấn biển - 2

Ông Nguyễn Thanh Nhàn phát biểu tại hội nghị.

Đại diện TP Cần Thơ, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nên đặt quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch nền để các quy hoạch khác thực hiện theo, tránh sự chồng chéo bất cập, khó thực hiện. Đồng thời, đề xuất bỏ Khoản 3 và Khoản 4 tại Điều 65 Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện để tránh sự chồng chéo.

Về kế hoạch sử dụng đất, TP Cần Thơ đề nghị sửa lại thời gian thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp huyện là 30 tháng (2,5 năm) trong Dự thảo Luật cho phù hợp với thực tiễn. Bởi vì kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có thời hạn là 1 năm là rất khó thực hiện, gây nhiều phiền phức, tốn kém thời gian, kinh phí của người dân, của các tổ chức và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Dự thảo Luật Đất đai: Kiên Giang kiến nghị xây dựng 1 điều riêng về lấn biển - 3

Ông Trần Việt Trường phát biểu tại hội nghị.

Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và cơ chế chuyển dịch đất đai (Chương 7, từ Điều 89 đến Điều 110), TP Cần Thơ cho rằng theo quy định của pháp luật về đất đai, việc hỗ trợ trong thu hồi đất nông nghiệp chỉ áp dụng cho tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp (là những người không được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, tổ chức kinh tế, chính trị xã hội khác, kể cả người về hưu). Việc quy định người trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức tham gia các công việc giúp cải thiện đời sống gia đình thông qua việc sản xuất nông nghiệp gây ra nhiều bất cập.

“Trong khi đặc thù của ĐBSCL nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, trên 80% cán bộ, công chức, viên chức xuất thân là nông dân, như vậy, họ không được xem là đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên khi bị thu hồi đất thì chỉ được nhận tiền bồi thường, không được nhận tiền hỗ trợ”, ông Trần Việt Trường phát biểu tại Hội nghị.

Ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết,  Bạc Liêu quan tâm đến một số vấn đề trong đó có việc thu hồi đất. Địa phương này kiến nghị xem xét bổ sung thêm dự án thuộc trường hợp nhận chuyển nhượng để thực hiện dự án nhưng nhận được trên 50, 60, 70%… diện tích mà không thoả thuận chuyển nhượng được thì Nhà nước tham gia thu hồi đất.

“Lý do, hiện nay có một số dự án trên địa bàn tỉnh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người dân khoảng 80% diện tích đất, còn 20% người dân không chấp thuận chuyển nhượng, gây khó khăn cho nhà đầu tư, đòi giá cao làm ảnh hưởng đến giá đất đối với khu vực xung quanh”, ông Lê Tấn Cận phát biểu.

Về bồi thường hỗ trợ và tái định cư, Bạc Liêu cho rằng Luật cần quy định rõ tiêu chí để so sánh về “việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải đảm bảo người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.

Bạc Liêu cũng kiến nghị luật quy định rõ giá đất cụ thể tái định cư tại chỗ quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong khi dự án chỉ mới thực hiện thu hồi đất, bồi thường và chưa có hạ tầng.

Lãnh đạo các địa phương khác ở ĐBSCL và Đông Nam Bộ cũng nêu ra nhiều ý kiến, góp ý tập trung vào các vấn đề mà Nhân dân trong vùng quan tâm.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, những ý kiến góp ý của Nhân dân chắc chắn là những cơ sở rất quan trọng để làm cơ thực tiễn, cơ sở khoa học để xem xét bổ sung hoàn thiện Dự thảo Luật Đai đai (sửa đổi).

“Xin được cảm ơn và ghi nhận những nỗ lực trong việc thực hiện đúng mục tiêu yêu cầu của đợt lấy ý kiến Nhân dân lần này. Đó là huy động được thật sự, thật chất người dân tham gia đóng góp. Phát huy trí tuệ của Nhân dân trong vấn đề xây dựng dự thảo luật quan trọng này.

Đồng thời, qua đây cũng là đợt sinh hoạt chính trị hết sức rộng rãi. Qua đây chúng ta cũng tuyên truyền được chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong vấn đề quản lý đất đai thông qua Nghị quyết 18 vừa rồi Trung ương ban hành. Tôi cho rằng đây là dịp chúng ta thực hiện thắng lợi hai mục tiêu. Vấn đề còn lại là Quốc hội, Chính phủ cần phải nghiên cứu thế nào thật sự nghiêm túc, khoa học để lắng nghe, tổng hợp các ý kiến, phân tích được các ý kiến để nâng cao chất lượng dự thảo, trình Quốc hội trong kỳ họp sắp tới vào tháng 5”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

THANH TIẾN / Theo VTC