Hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm công nghệ

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên hiệp châu Âu (EVFTA) được đánh giá sẽ tạo làn sóng nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp trong thời gian tới. Ðể nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, nhất là sản phẩm xuất khẩu vào thị trường châu Âu, việc đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị hiện đại, tiên tiến là điều tiên quyết.

Thí dụ, trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, hàng hóa có thể vẫn đạt các tiêu chí về an toàn thực phẩm khi sử dụng công nghệ cũ, nhưng chắc chắn năng suất không bảo đảm cho yêu cầu xuất khẩu.

Nhiều chuyên gia nhận định, xu hướng chung là, doanh nghiệp sẽ nhập khẩu thiết bị, công nghệ của các nước ở châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản. Trong những năm gần đây, hành lang pháp lý về nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, nhất là loại đã qua sử dụng đã được hoàn thiện. Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng là lĩnh vực phức tạp, dự báo doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng nhập khẩu, sử dụng để giảm chi phí sản xuất. Theo quy định hiện nay, thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng phải đáp ứng hai tiêu chí: Phải được sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn quốc gia của một trong các nước G7, Hàn Quốc về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường; tuổi thiết bị không vượt quá 10 năm kể từ khi sản xuất đến khi nhập khẩu, trừ một số trường hợp cụ thể.

Tuy nhiên, khi nhập khẩu các thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ mới, nhiều chuyên gia cảnh báo doanh nghiệp dễ xảy ra tranh chấp với bên thứ ba về sở hữu trí tuệ, bản quyền. Do đó, doanh nghiệp cần yêu cầu đơn vị chuyển giao thiết bị, công nghệ đăng ký sở hữu trí tuệ tại Việt Nam (đăng ký độc quyền sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp…), hoặc yêu cầu thông báo rõ hàng hóa, công nghệ chuyển giao đã được đăng ký bảo hộ ở Việt Nam hay chưa. Ðiều đó đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ được bảo đảm về chủ sở hữu sản phẩm và công nghệ. Trường hợp khi có bên thứ ba tranh chấp về sở hữu, thì pháp luật sẽ bảo vệ việc đã đăng ký sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp nhập khẩu cũng không bị thiệt hại. Thực tế là lâu nay đã xảy ra tình trạng tranh chấp về sở hữu trí tuệ liên quan  công nghệ, thiết bị nhập khẩu, và dự báo khi  Hiệp định EVFTA đi vào cuộc sống, chắc chắn sẽ có nhiều hơn các tranh chấp tương tự xảy ra.

Để hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng cơ hội tiến sâu vào thị trường châu Âu, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, nhất là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có khó khăn về tài chính. Khảo sát mới đây của Viện Ðánh giá khoa học và Ðịnh giá công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, chỉ có 23% số các doanh nghiệp được khảo sát có hoạt động đổi mới, cải tiến công nghệ. Nguyên nhân do nguồn vốn đầu tư hạn chế, trong khi cơ chế tài chính hỗ trợ chưa tạo điều kiện để doanh nghiệp đổi mới công nghệ.

Một bất cập cần tháo gỡ, đó là chưa có cơ sở dữ liệu thống nhất để xác định một loại máy móc thiết bị nhập khẩu cụ thể nào đó đã được sản xuất trong nước hay chưa, từ đó áp thuế suất thuế nhập khẩu chưa phù hợp hoặc doanh nghiệp bị kéo dài thời gian thông quan. Thực tế, danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được luôn biến động và thuộc quản lý của các bộ, ngành chủ quản, do đó, các bộ, ngành cần có trách nhiệm thông tin kịp thời để hỗ trợ cơ quan hải quan áp thuế suất phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp về chi phí, thời gian.

Bên cạnh đó, hiện các tổ chức trung gian tư vấn, hỗ trợ tìm kiếm công nghệ cho doanh nghiệp còn hạn chế trong việc kết nối cung, cầu công nghệ, do cơ sở dữ liệu về công nghệ chưa đầy đủ, chưa có nhiều các thông tin về chủ sở hữu công nghệ, đầu mối chuyển giao công nghệ, về mạng lưới chuyên gia từng lĩnh vực… để doanh nghiệp khai thác. Do đó, Nhà nước cần đầu tư  xây dựng cơ sở dữ liệu về công nghệ mới, công nghệ tiên tiến và lực lượng chuyên gia công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm công nghệ. Nếu không, doanh nghiệp dễ gặp rủi ro khi tự mày mò tìm kiếm và quá tin vào các quảng cáo về công nghệ. 

Hà Linh

NDO

Leave a Reply

Your email address will not be published.