Nội dung tọa đàm: Ba năm triển khai Nghị quyết “thuận thiên”: Biến thách thức thành cơ hội phát triển”

Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu được ban hành năm 2017, thường được gọi với cái tên là Nghị quyết “thuận thiên”, theo một tư tưởng chủ đạo, xuyên suốt Nghị quyết. Trong những năm qua, việc ban hành và triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách và đạt nhiều kết quả trong thực tế. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều.

Toàn cảnh Tọa đàm. Ảnh:VGP/Nhật Bắc

Để có cái nhìn tổng thể về mô hình chuyển đổi, phát triển vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), hôm nay (16/12), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “3 năm triển khai Nghị quyết “thuận thiên”: Biến thách thức thành cơ hội phát triển”.

Như chúng ta đều biết, ĐBSCL là khu vực có tiềm năng, lợi thế rất lớn, có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, không chỉ là trụ đỡ, bảo đảm an toàn, an ninh lương thực, xuất khẩu nông sản, mà còn là một động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của cả nước.

Vùng đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế – xã hội, tuy nhiên, GDP bình quân đầu người của Vùng vẫn thấp hơn 18% so với mức trung bình của cả nước. Đồng thời, Vùng cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do tác động của biến đối khí hậu, triều cường, hạn mặn, các hoạt động phát triển ở thượng nguồn châu thổ, do đầu nguồn sông Mekong các nước đã xây quá nhiều nhà máy thủy điện, mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế – xã hội, khai thác sử dụng tài nguyên với cường độ cao, thiếu bền vững, gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng. Đây là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu.

Trước thực tế trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm tới vùng đất này, mà trước hết và quan trọng nhất là việc ban hành Nghị quyết “thuận thiên”. Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế – xã hội vùng ĐBSCL ngay từ năm 2016 và mới nhất, tháng 6/2020, Thủ tướng quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025, do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban. Và theo chỉ đạo của Thủ tướng, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được xây dựng và sẽ sớm được ban hành, đây là quy hoạch vùng đầu tiên được triển khai theo Luật Quy hoạch, được kỳ vọng sẽ trở thành điển hình mẫu mực về quy hoạch vùng trên cả nước.

Theo nhiều chuyên gia, bộ ba chính sách lớn (Luật Quy hoạch, Nghị quyết “thuận thiên”, thành lập Hội đồng điều phối vùng) chính là cơ hội vàng cho vùng phát triển mạnh mẽ thời gian tới. Nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ cũng quan tâm, tăng cường bố trí nguồn lực so với giai đoạn trước, triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn, có tính lan tỏa, nhất là các dự án hạ tầng giao thông, giải pháp giải quyết vấn đề giao thông nội vùng và liên vùng. Một số công trình quan trọng, quy mô lớn được triển khai như Cái Lớn – Cái Bé, cống Trà Sư, khánh thành 51 km Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, các công trình ngọt hóa Bến Tre, đường Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ…

Bản thân Người đứng đầu Chính phủ cũng luôn trăn trở, day dứt với những vấn đề của vùng đất này, liên tục có các chuyến công tác, làm việc, các chỉ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội các địa phương trong vùng và cả vùng, như các chỉ đạo ứng phó hạn mặn lịch sử, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ cho phù hợp, bảo đảm nước sinh hoạt cho người dân… Thời gian tới, Thủ tướng cho biết sẽ bố trí hơn 1 tỷ USD, tương đương 25.000 tỷ đồng, cho khu vực này và tiếp tục đầu tư cho giao thông vận tải nội vùng và liên vùng.

Trong những năm qua, việc ban hành và triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chương trình chiến lược, các dự án cấp bách và đạt nhiều kết quả trong thực tế. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều.

Tại cuộc tọa đàm này, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tăng Thế Cường; Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng, GS.TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Ủy ban quốc gia về Biến đổi khí hậu, trao đổi, làm rõ nhiều vấn đề liên quan tới việc triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Sau đây, cuộc tọa đàm xin phép được bắt đầu, trân trọng kính mời các quý vị và độc giả theo dõi.

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, việc triển khai các chương trình tổng thể, các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã đạt được những kết quả cụ thể như thế nào, thưa ông?

Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Tăng Thế Cường. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Ông Tăng Thế Cường: 

Từ năm 2017, “hội nghị Diên Hồng” về phát triển bền vững ĐBSCL do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Sau khi Nghị quyết được ban hành, Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự hưởng ứng của người dân trong vùng ĐBSCL. Việc thực hiện Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thứ nhất, hệ thống cơ chế, chính sách bước đầu được hoàn thiện, tập trung thúc đẩy phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững; phát triển nông nghiệp công nghệ cao và phát triển hạ tầng giao thông, đô thị cho vùng ĐBSCL, ổn định dân cư; gắn kết các quy hoạch phát triển.

Thứ hai là các hoạt động đầu tư cho ĐBSCL đã có tính dẫn dắt, thúc đẩy, kết nối, giải quyết các vấn đề cấp bách về dân sinh được quan tâm. Hoạt động hợp tác quốc tế được thúc đẩy, góp phần thu hút nguồn lực, tri thức, công nghệ cho ĐBSCL. Cụ thể, tổng số vốn đầu tư cho ĐBSCL so với cả nước tăng từ 12,2% (giai đoạn 2011-2015) lên 16,53% (giai đoạn 2016-2020).

Đầu tư qua địa phương đạt khoảng 200.000 tỷ, trong đó: Ngân sách Trung ương gần 90.000 tỷ; ngân sách địa phương là 115.000 tỷ đồng. Đầu tư qua bộ, ngành: NN&PTNT 28.200 tỷ đồng, GTVT 32.961 tỷ đồng, Y tế 947,5 tỷ đồng, Bộ Công Thương đầu tư cấp điện nông thôn 615 tỷ đồng, Chương trình mục tiêu qua Bộ TN&MT 5.256 tỷ đồng…

Hỗ trợ đầu tư có mục tiêu 42.322 tỷ đồng; trái phiếu Chính phủ 20.673 tỷ đồng. Theo số liệu thống kê của WB và các đối tác phát triển, tổng số vốn đầu tư hỗ trợ từ các đối tác phát triển cho các chương trình, dự án đã và đang hỗ trợ cho vùng ĐBSCL tính đến năm 2019 vào khoảng 2,48 tỷ USD (57.400 tỷ đồng).

Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung vốn từ dự phòng Trung ương 4.858 tỷ đồng, dự phòng Kế hoạch trung hạn 10.263 tỷ đồng. Hiện nay, Chính phủ xem xét thông qua Chương trình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH với số vốn 1,05 tỷ USD (tương đương 24.302 tỷ đồng).

Trong thời gian tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm đầu tư cho ĐBSCL. Riêng Bộ GTVT đã đề xuất chủ trương đầu tư 38 dự án cho ĐBSCL với số vốn 94.500 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025.

Thứ ba là, Nghị quyết đã thúc đẩy chuyển đổi quy mô lớn theo cơ cấu kinh tế và theo lãnh thổ trên cơ sở phát huy tiềm năng thế mạnh của vùng và từng tiểu vùng. Xung đột giữa các mô hình kinh tế đã và đang được giải quyết; Kết nối liên vùng đang được thúc đẩy thông qua kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với TP. Hồ Chí Minh, thúc đẩy hình thành chuỗi giá trị cho các sản phẩm, dịch vụ.

Thứ tư là các chương trình ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai, khắc phục sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội đang được triển khai thực hiện tập trung vào những vấn đề cấp bách.

Thứ năm là, công tác điều tra cơ bản, quan trắc được tăng cường; số liệu, dữ liệu liên ngành được thiết lập, cập nhật và hệ thống hóa để phục vụ hiệu quả cho công tác dự báo, hoạch định chính sách.

Và thứ sáu là nghiên cứu khoa học và công nghệ được đẩy mạnh, cung cấp luận cứ, sáng kiến, giải pháp, công nghệ; công tác đào tạo, chuyển đổi nghề đã được quan tâm.

Nghị quyết 120 được đánh giá là bước đột phá về đổi mới tư duy tiếp cận trong ứng phó với BĐKH ở Việt Nam. Từ những kết quả nêu trên, xin ông cho biết, tư duy tiếp cận mới đã thay đổi toàn diện bộ mặt ĐBCSL như thế nào?

Ông Tăng Thế Cường: Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ là chủ trương có tính đột phá về phát triển để kiến tạo vùng ĐBSCL phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH và an toàn, thịnh vượng.

Phương châm “thuận thiên” mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra được quán triệt thực hiện, qua đó, chúng ta chủ động thích ứng với tác động của BĐKH, sống chung và coi lũ, nước mặn, nước lợ là tài nguyên để phát triển kinh tế với phân vùng hợp lý trên cơ sở phân bổ tài nguyên nước của toàn vùng.

Hiệu quả của việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm thuận thiên đã được chứng minh qua đợt hạn mặn kỷ lục 2019-2020 vừa qua, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển, giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như, thiệt hại về riêng diện tích lúa đợt hạn mặn vừa qua chỉ bằng khoảng 10% so với đợt hạn mặn năm 2015-2016.

Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy của các cấp, các ngành trong xây dựng chính sách, xác định các chiến lược, chương trình, dự án chuyển đổi quy mô lớn mang tính liên vùng, liên tỉnh.

Qua quá trình triển khai Nghị quyết, nhận thức của nhân dân đã được nâng cao để thích ứng với BĐKH một cách chủ động, bình tĩnh và linh hoạt. Cũng qua quá trình triển khai Nghị quyết, đã tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách, nguồn lực; đã thúc đẩy được quy hoạch kết nối liên vùng.

Nhờ tư duy và cách tiếp cận mới của Nghị quyết, mà các tổ chức quốc tế tích cực tham gia hỗ trợ hiệu quả vùng ĐBSCL. Phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ mang tính dài hạn trong khi chúng ta mới triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NĐ-CP được 03 năm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta có thể khẳng định được những thay đổi, sự chuyển mình mạnh mẽ của vùng đồng bằng quan trọng bậc nhất nước ta; đời sống nhân dân tốt hơn, đặc biệt là mô hình sản xuất, cơ cấu sản phẩm, nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân chủ động hơn. Kết nối hạ tầng giao thông, liên kết vùng đã và đang có nhiều tiến triển, thay đổi bộ mặt của ĐBSCL.

Trong thời gian qua, việc thúc đẩy phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng hiện đại, bền vững và triển khai các chương trình ứng phó với BĐKH, phòng chống thiên tai, khắc phục sụt lún, sạt lở bờ sông bờ biển có những kết quả nổi bật gì, thưa ông?

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn Trần Công Thắng. Ảnh:VGP/Nhật Bắc

Ông Trần Công Thắng: Đầu tiên phải nói đây là một Nghị quyết có tính sáng tạo, đảm bảo được trong điều kiện triển khai phải đối mặt với rất nhiều thách thức cả trong yếu tố nội vùng và yếu tố bên ngoài. Từ câu chuyện tái cấu trúc sản xuất trong nông nghiệp, các vấn đề về khai thác nguồn lực tài nguyên, giảm thiểu nguy cơ như sạt lún, sụt lở hay một số vấn đề khác liên quan đến câu chuyện về thượng nguồn.

Về kết quả, chỉ từ cuối năm 2017, ngay sau khi có Nghị quyết 120/NQ-CP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất tích cực thực hiện. Có 3 vấn đề mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung vào. Thứ nhất là xây dựng thể chế và chính sách, đến thời điểm này các chương trình để đảm bảo cho Nghị quyết 120/NQ-CP đã tương đối hoàn thành. Đến nay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xong Chiến lược về thủy lợi năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040 và hiện nay là Chiến lược về phòng chống thiên tai cũng đã trình Thủ tướng.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung xây dựng nhanh 3 đề án. Đề án đầu tiên là chuyển đổi bền vững ĐBSCL (đã được Thủ tướng phê duyệt) trong đó tập trung rất nhiều những định hướng về vùng, ngành, các giải pháp đúng theo quan điểm của Nghị quyết 120/NQ-CP vừa thuận thiên, vừa kiến tạo phát triển bền vững, thích ứng BĐKH và đáp ứng được nhu cầu của thị trường, tận dụng cơ hội của ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập.

Tiếp theo là đề án chống sạt lở bờ sông, cửa biển như anh Cường đã đề cập và theo tôi được biết đề án này đã được triển khai rất nhanh. Hiện nay vấn đề chống sạt lở bờ sông, cửa biển là vấn đề rất khó và tốn rất nhiều tiền nhưng ưu tiên của Chính phủ là đảm bảo kịp thời về nguồn vốn và hiện nay một nửa điểm sạt lở bờ sông, cửa biển đã được kiểm soát. Đây là sự cố gắng không nhỏ của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Đề án về hiện đại hóa hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH và phát triển bền vững. Khác với các hệ thống trước, hệ thống này sẽ phải dựa vào định hướng của từng vùng, hệ thống thủy lợi sẽ đa chức năng, linh hoạt, không quá cứng để hỗ trợ phát triển chuyển đổi, phát triển vùng ĐBSCL.

Về đầu tư, ưu tiên đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, đặc biệt là vùng ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm không phải chỉ của Việt Nam mà là của cả khu vực và thế giới. Đây là những ưu tiên rất rõ về đầu tư, đặc biệt là đầu tư chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Tiếp theo là đầu tư vào hệ thống thủy lợi cả 3 vùng: thượng, giữa và ven biển để làm sao hài hòa cho cả 3 vùng. Từ những điều trên, 3 năm không phải là 1 thời gian quá dài cộng với những yếu tố khác, đã có những chuyển biến hết sức tích cực. Theo đó, mức tăng trưởng trong ngành nông nghiệp của ĐBSCL cao hơn cả nước trong điều kiện dịch bệnh, bất ổn thị trường. Nông nghiệp vùng ĐBSCL đã có sự duy trì và tăng trưởng từ 4,6-4,7%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Có rất nhiều sản phẩm giữ được, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như, cá tra chiếm 90% và tôm chiếm 60%. Ngoài số lượng thì bắt đầu đã có những chuyển biến tích cực về chuyển đổi trong sản xuất để chuyển từ những vùng đất có rủi ro cao, năng suất trồng lúa trước đây hiệu quả kém, chuyển sang trồng trái cây, nuôi thủy sản. Hiệu quả từ việc chuyển đổi đã cho những kết quả rất rõ, những năm trước đây chỉ trồng được 2 vụ, mỗi vụ 20 triệu thì nay cả vài trăm triệu, có những nơi nuôi thủy sản lãi cả tỷ đồng.

Ngoài ra cũng đã thu hút được các nhà đầu tư lớn vào trong ĐBSCL, vừa qua rất nhiều mô hình sáng tạo. Từ Đồng Tháp, An Giang, Bến Tre, Cà Mau, Bạc Liêu… đều có những mô hình đổi mới rất sáng tạo.

Ngành nông nghiệp có sự tăng trưởng bền vững, thành 1 trụ cột ổn định xã hội, vừa đảm bảo an ninh lương thực, vừa tạo đột phá lớn trong thời gian tới.

Khi tham vấn cho Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120, Giáo sư đã bày tỏ quan điểm: “Muốn giữ cho sự tồn tại và phát triển ĐBSCL thì cần phải thay đổi, thà co cụm để tồn tại còn hơn dàn trải mà mất hết”. Sau 3 năm triển khai, quan điểm của Giáo sư về vấn đề này như thế nào? Những chương trình hành động “co cụm” có phát huy được kết quả tích cực, đóng góp vào sự phát triển bền vững của ĐBSCL ra sao, thưa Giáo sư?

GS.TS Trần Thục: Thực ra từ “co cụm” là chưa chính xác lắm mà phải nói là ta biết chấp nhận tổn thất. Trong ứng phó với BĐKH thì có 2 giải pháp gần với ta nhất là chấp nhận tổn thất và chuyển đổi mục đích sử dụng. Chấp nhận tổn thất là khi mà tác động quá lớn vượt quá khả năng thích ứng của ta thì ta phải chấp nhận hoặc chi phí bỏ ra cho các biện pháp thích ứng quá lớn, ngoài sức của chúng ta thì ta cũng chấp nhận. Ví dụ, ĐBSCL phù sa đang giảm, sạt lở 2 bên bờ sông ngày càng ác liệt, liệu chúng ta có thể xây kè tất cả các bờ sông, bờ kênh hay không? Chắc là khó, vì vậy chỉ tập trung bảo vệ những nơi quan trọng, những thành phố lớn, những khu vực kinh tế đông dân còn những nơi khác chấp nhận tổn thất và chuyển đổi mục đích sử dụng.

Nhưng với bờ biển thì khác, nếu mất bờ biển thì mất đất của Tổ quốc nên chúng ta phải cố gắng tìm các biện pháp để bảo vệ bờ biển.

Phương pháp thứ 2 là chuyển đổi mục đích sử dụng. ĐBSCL vốn là một nơi rất phong phú về nước, về phù sa, thủy sản và trồng lúa rất lớn. Tuy nhiên, với điều kiện tác động bây giờ như những vùng ven biển bị khô hạn, xâm nhập mặn thì việc trồng lúa là khó, ta cần chuyển đổi mục đích sử dụng từ trồng lúa sang thủy sản và các biện pháp khác.

Trong thời gian qua, chính quyền địa phương và bà con đã thực hiện biện pháp này rất tốt đã chuyển đổi trồng lúa ở một số vùng như Cà Mau chuyển qua thủy sản, một số vùng khác chuyển sang cây ăn quả. Như vậy hình thức chuyển đổi mục đích sử dụng đã thích ứng được với ĐBSCL.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ phương châm hành động của Chính phủ khi đầu tư nguồn lực, triển khai Nghị quyết 120 là: “Chính phủ thúc đẩy, doanh nghiệp hành động, người dân hưởng ứng”. Trong 3 năm qua, phương châm này đã được triển khai cụ thể như thế nào?

Ông Tăng Thế Cường: Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển của ĐBSCL, với sự vào của tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Từ phương châm hành động của Chính phủ, tôi muốn nhấn mạnh vào vai trò của Chính phủ là người kiến tạo trong phát triển bền vững ĐBSCL, với việc tập trung thực hiện các dự án mang tính “hạt giống”, tạo hành lang, sân chơi cho các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư cho vùng ĐBSCL, với sự tham gia của cả người dân. Điều đó đã tạo nên sức mạnh tổng hợp bởi vì phát triển bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần có sự tham gia đầy đủ, đúng vai trò của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Các Bộ đã ban hành các cơ chế, chính sách phát triển vùng, như chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trở thành hạt nhân cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh, thích ứng với biến đổi khí hậu, CCHC nhằm thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư triển khai các dự án trong các lĩnh vực nông nghiệp, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo… đã làm thay đổi bộ mặt của vùng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế cả nước. Có thể thấy bức tranh đầu tư cho ĐBSCL đã có những kết quả tích cực.

Theo Nghị quyết 120, tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL thích ứng với BĐKH đã định hướng phát triển nông nghiệp bền vững theo 3 vùng và xoay trục chiến lược sang thủy sản-trái cây-lúa gạo. Ông đánh giá triển khai việc “xoay trục” này trong thời gian qua như thế nào và đã mang lại những thay đổi cụ thể gì đối với ĐBSCL?

Ông Trần Công Thắng: Một trong những sáng tạo đổi mới để thích ứng BĐKH, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng năng suất và nâng cao thu nhập của người dân, thu hút được đầu tư của doanh nghiệp là câu chuyện “xoay trục” chiến lược trong thời gian qua. Trong quá trình chuyển đổi nông nghiệp vùng ĐBSCL đã được Thủ tướng phê duyệt qua Quyết định 124, chúng tôi thấy rất rõ, đã xuất hiện rất nhiều mô hình hiệu quả, rất nhiều vùng chuyển từ lúa kém hiệu quả sang thủy sản và trái cây và đã cho hiệu quả rõ rệt. Tất nhiên vẫn còn những mô hình chuyển đổi tự phát, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa theo kịp nhưng ít nhất một chủ trương lớn của Chính phủ đã có được sự hưởng ứng của người dân và tạo ra những hiệu quả tích cực như các địa phương đã chủ động và có định hướng đi theo. Họ cũng nhận thấy rằng đây là những tín hiệu chuyển đổi rất tốt trong khi trước đây vẫn còn rất dè dặt khi thực hiện chuyển đổi. Cùng với sự hỗ trợ đầu tư của Nhà nước để chuyển đổi hệ thống hạ tầng, hệ thống thủy lợi đi theo. Đa dạng về mục tiêu hơn, hệ thống logistics nếu đi kèm theo nữa sẽ tạo ra được những hiệu quả rất tốt. Những mô hình chuyển đổi đã cho hiệu quả tích cực trong khi đó về tổng thể, tăng trưởng tốt hơn, xuất khẩu không giảm, chuyển đổi sang giá trị tốt hơn.

ĐBSCL là vùng trọng điểm của nông nghiệp nhưng khi xem xét về đầu tư thì việc đầu tư của các doanh nghiệp vào vùng ĐBSCL chưa được nhiều nên tôi hy vọng với những hợp lý về chính sách sẽ thu hút được thêm các nhà đầu tư. Doanh nghiệp sẽ phải là đầu tầu kéo theo việc sản xuất chuỗi, dẫn dắt người nông dân. Nếu chúng ta làm tốt trong thời gian tới, sự “xoay trục” sẽ còn nâng cao được hiệu quả hơn nữa.

Thưa ông, một trong những khó khăn hiện nay khi triển khai Nghị quyết 120 là chưa có cơ chế đặc thù để thực hiện do vẫn phải trong khuôn khổ tổng thể chính sách phát triển chung của cả nước, theo quy định của pháp luật. Ông có những chia sẻ gì về vấn đề này?

Ông Tăng Thế Cường: Để phát triển ĐBSCL cần phải có một cơ chế đặc thù, tuy nhiên cũng phải đặt chung trong bối cảnh quốc gia và cân đối với các vùng, miền khác.

Thực tế cho thấy, từ năm 2016 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế thí điểm liên kết vùng theo Quyết định 593/QĐ-TTg ban hành quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, đến năm 2020, đã thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL tại Quyết định số 825/QĐ-TTg ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025. Việc thành lập Hội đồng để tham mưu, đề xuất và giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, kiểm tra, giám sát việc thực hiện liên kết vùng, phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng BĐKH.

Mặc dù, các cơ chế này vẫn chủ yếu về tăng cường trao đổi ở cấp độ chính sách về liên kết vùng nhưng đã hình thành các Tổ điều phối cấp Bộ, cấp tỉnh; Tổ chuyên gia tư vấn để giúp Hội đồng hoạt động hiệu quả, tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ những cơ chế, chính sách đặc thù, các chiến lược, quy hoạch, chương trình, dự án quy mô vùng, liên vùng để phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Đây là nền móng ban đầu cho việc hình thành và thực hiện các cơ chế chính sách phù hợp hơn với đặc điểm tự nhiên, điều kiện kinh tế – xã hội của ĐBSCL, từ đó tháo gỡ được những rào cản và giải phóng hiệu quả nguồn lực cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Việc hoàn thiện thể chế, chính sách triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 120/NQ-CP vẫn còn chậm, đặc biệt là các chính sách đẩy mạnh sự phát triển của các ngành, lĩnh vực then chốt tại ĐBSCL, một số chính sách đã được ban hành nhưng chưa đi vào cuộc sống vì chưa đồng bộ với nguồn lực thực hiện, như Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; dẫn đến hiệu quả chính sách không cao. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này và trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương có những hướng giải quyết như thế nào?

Ông Trần Công ThắngVới Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn,có 2 bộ tham gia trình Chính phủ đó là Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sự phối hợp chặt chẽ. Nghị định 57/2018/NĐ-CP lấy ý kiến của rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp và tạo được sự đồng thuận. Khi Nghị định 57/2018/NĐ-CP có hiệu lực, nhiều doanh nghiệp và địa phương thấy đây là một đổi mới. Bên cạnh việc tháo gỡ một số nút thắt, Nghị định còn đưa ra một số hỗ trợ, giải pháp cho từng nhóm chăn nuôi, thủy sản, trái cây. Nghị định đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp khi họ đầu tư, đặc biệt với các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, đầu tư vào chế biến để nâng cao giá trị gia tăng.

Nghị định 57/2018/NĐ-CP là một trong những Nghị định có nhiều điểm đổi mới. Tuy nhiên, theo chúng tôi đánh giá, việc triển khai Nghị định 57/2018/NĐ-CP vẫn còn chậm, Nghị định 98 triển khai còn nhiều vướng mắc.

Chúng tôi tham khảo các ý kiến của các địa phương khác nhau, có một số điểm lý giải vì sao chúng ta thực hiện các chính sách còn chậm.

Thứ nhất, liên quan đến nguồn lực triển khai, nguồn lực có một phần hỗ trợ của Trung ương, một phần là hỗ trợ của các chính sách ngân sách của tỉnh. Nhưng các tỉnh dựa vào nông nghiệp nhiều, ngân sách địa phương để ưu tiên cho đầu tư cũng còn hạn chế. Trong số các tỉnh của ĐBSCL, có hơn một nửa đã bắt đầu triển khai, nhưng không nhiều.

Thứ hai, các văn bản kèm theo hệ thống đó. Quá trình làm chính sách để ra Nghị định trong thời gần đây rất là tốt, tốc độ nhanh. Nhưng để hướng dẫn, đưa tới cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp hiểu hết và làm các thủ tục, phải mất khoảng 6-7 tháng. Mặc dù các thủ tục quy định trong Nghị định 57/2018/NĐ-CP đã có những cải tiến rất nhiều.

Thứ ba, trong quá trình triển khai có rất nhiều vướng mắc khác cần có sự trao đổi giữa tác nhân được hưởng thụ với cơ quan quản lý ở địa phương và Trung ương. Những điều này làm hạn chế hiệu quả triển khai chính sách.

Vậy để làm sao chính sách đưa vào cuộc sống có hiệu quả? Đầu tiên chính sách phải phản ứng đúng nhu cầu của các đối tượng. Phải có sự tham khảo của các bên, lấy ý kiến của các địa phương. Thứ hai về nguồn lực triển khai. Có những chính sách không cần phải có nguồn lực, như những chính sách cởi trói, tạo điều kiện. Nhưng chính sách về hỗ trợ, đầu tư thì phải có nguồn lực. Thứ ba phải nâng cao năng lực của doanh nghiệp, địa phương, Trung ương để tạo ra quá trình truyền chính sách thật nhanh. Thứ tư phải có quá trình giám sát, đánh giá thường xuyên. Hiện nay tôi thấy khâu này hơi yếu và không có bộ phận giám sát. Nếu chúng ta làm tốt được 4 khâu này, quá trình nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách sẽ được cải thiện rất nhiều.

Thưa GS.TS Trần Thục, để khắc phục những tồn tại hiện nay như thiếu sự chủ động, liên kết trong việc triển khai Nghị quyết của các bộ, ngành, địa phương; khó khăn khi huy động nguồn lực, những giải pháp nào cần thực hiện để có thể khắc phục những “điểm nghẽn” nói trên để phát triển bền vững ĐBSCL?

GS.TS Trần Thục. Ảnh:VGP/Nhật Bắc

GS.TS Trần Thục: Với điều kiện địa hình của ĐBSCL rất bằng phẳng và hệ thống kênh rạch chằng chịt, ĐBSCL nên được xem là một tổng thể. Một hoạt động của một địa phương này có thể tác động tốt hoặc tác động xấu đến những vùng khác. Vậy theo tôi cần có quy hoạch tổng thể của ĐBSCL, không xét đến ngành, không xét đến địa giới hành chính. Có được quy hoạch như thế sẽ tạo được điều kiện của các bên tham gia thực hiện, đặc biệt là chính quyền địa phương và người dân, cộng đồng.

Trong quy hoạch này cần có mốc thời gian đủ dài. Chúng ta không kỳ vọng một Nghị quyết ra đời trong vòng 1 năm sẽ mang lại tác động nhanh được mà phải có quy luật thời gian. Bên cạnh đó cần xem xét quy mô về không gian.

Cần phải xem những kịch bản về rủi ro đối với việc thực hiện quy hoạch này. Tôi rất kỳ vọng quy hoạch tổng thể đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng sẽ mang lại lợi ích và tháo gỡ điểm nghẽn.

Một lần nữa tôi nhắc lại, các địa phương, bà con nhân dân rất sáng tạo, hãy lắng nghe, hãy sử dụng kiến thức của người dân địa phương để áp dụng cho quy hoạch này. Áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm nhỏ lẻ của họ biến thành kinh nghiệm lớn cho toàn vùng.

Kết nối liên vùng thông qua kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng nội vùng và với TP. Hồ Chí Minh đã và đang được triển khai như thế nào, thưa ông?

Ông Tăng Thế Cường: Kết nối liên vùng thông qua kết nối kinh tế, kết nối hạ tầng đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại Hội nghị 2 năm đánh giá thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP trên cơ sở phát huy lợi thế, sức lan toả phát triển vùng TP. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với ĐBSCL.

Bao gồm xây dựng các tuyến giao thông liên vùng, hình thành các khu công nghiệp, đô thị lớn quy mô vùng để giải quyết bài toán tổng thể để kết nối.

Quốc hội, Chính phủ đã bố trí kinh phí triển khai các dự án: Cầu Mỹ Thuận 2 trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ, Quốc lộ 57 Bến Tre – Vĩnh Long, Quốc lộ 53 Trà Vinh – Long Toàn, Quốc lộ 30 Cao Lãnh – Hồng Ngự…

Các dự án trọng điểm kết nối hạ tầng cơ sở gồm: đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn – Đất Mũi, cầu Long Bình, luồng tàu biển lớn vào sông Hậu, Dự án kết nối vùng ĐBSCL.

Kết nối này là phương án tính toán rất tổng thể để tận dụng được lợi thế của vùng.

TP. Hồ Chí Minh đã ký kết liên kết với 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL thực hiện kết nối kinh tế và kết nối hạ tầng giao thông theo Nghị quyết 120/NQ-CP, để những sản phẩm dịch vụ của ĐBSCL kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh và ra quốc tế, thực hiện chuỗi giá trị toàn cầu.

Các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác với 13 tỉnh, thành phố ĐBSCL 1.165 dự án với khoảng 280.000 tỷ đồng, hình thành mạng lưới sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nội địa và tạo nguồn xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cho TP. Hồ Chí Minh đi ra thế giới.

Thưa GS.TS Trần Thục, trong quá trình tư vấn để xây dựng Chương trình hành động  tổng thể thực hiện Nghị quyết số 120, ông đánh giá như thế nào về việc kết nối liên ngành, liên vùng tại ĐBSCL để thích ứng với BĐKH?

GS.TS Trần Thục: Như ông Tăng Thế Cường vừa chia sẻ, liên kết liên vùng với TP. Hồ Chí Minh, với khu vực Đông Nam Bộ rất quan trọng với ĐBSCL. Chúng ta sẽ trao đổi được về vốn, về con người, về công nghệ. Tuy nhiên liên kết với TP. Hồ Chí Minh, Đông Nam Bộ là chưa đủ với ĐBSCL.

ĐBSCL cần phải có liên kết nội vùng trong đồng bằng để thu hút nguồn vốn, con người. Tôi thấy ĐBSCL chưa có một trung tâm để thu hút, phát triển cho cả vùng.

Có một cái khó trong ĐBSCL là giống nhau nhiều mặt. Lúa, thủy sản, cây ăn trái các tỉnh đều giống nhau. Vậy trong quy hoạch cần xác định rõ những nơi nào có thế mạnh hơn để phát triển kinh tế và liên kết tốt hơn.

Hạn hán và xâm nhập mặn đang là mối đe dọa nghiêm trọng, ảnh hướng rất lớn đến phát triển nông nghiệp tại ĐBSCL. Nói về hướng lâu dài trong công tác thích ứng với hạn hán và xâm nhập mặn, các chuyên gia cho rằng đây là thời cơ để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi ngôi vị hàng đầu từ sản lượng sang giá trị, bảo đảm phát triển bền vững và giữ được an ninh lương thực. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào? Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã xây dựng Chương trình tổng thể ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn như thế nào để biến thách thức thành cơ hội phát triển?

Ông Trần Công Thắng: Trước đó ở ĐBSCL chúng ta sử dụng rất nhiều hồ chứa nước, đặc biệt là nước ngọt, chúng ta đã dần dần chuyển đổi. Trong chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vữngtrong Quyết định 324/QĐ-TTg phê duyệt chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nói rất rõ là chúng ta phải làm sao chia thành những tiểu vùng: vùng thượng, vùng giữa, vùng ven biển.

Chúng ta chia thành các vùng, vùng có lợi thế về lúa gạo, trái cây, thủy sản, nhất là thủy sản nước ngọt để chúng ta đầu tư hỗ trợ, quy hoạch thành vùng, cụm, khu chế biến, trong đó có cả dịch vụ về logistics và dịch vụ khác. Đây là điều mà tôi thấy trong Quyết định 324/QĐ-TTg đã đưa ra rất rõ. Vùng thứ hai là những vùng linh hoạt, tùy vào điều kiện thích ứng và thời điểm. Thứ ba là những vùng chuyển đổi, trong vùng chuyển đổi ta thấy rõ những vùng nào có thể chuyển đổi sang cây giá trị cao hơn, vùng nguy cơ cao, năng suất thấp, hiệu quả thấp thì chúng ta chuyển.

Hiện nay đối với những vùng ven biển, vừa muốn phát triển kinh tế vừa muốn bảo vệ chủ quyền biển, vừa muốn không xói lở biển thì phải có rất nhiều mô hình. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa phương triển khai các mô hình như sản xuất rừng vùng ven biển để giảm các sạt lở, tạo sinh kế cho người dân. Phải có các hệ thống như hệ thống thủy lợi. Hệ thống thủy lợi hiện nay đã có sự linh hoạt đóng mở, kiểm soát tốt hơn. Đặc biệt hệ thống cung cấp đối với những vùng thủy sản ven biển, chúng ta muốn tận dụng chuyển xâm nhập mặn thành những cơ hội.

Vùng sạt lở phải kiểm soát tốt, vùng nào trọng điểm có nguy cơ sạt lở cao thì phải đầu tư. Những vùng khác phải có biện pháp thích nghi.

Đối với những vùng ngập lũ hiện nay đã chuyển đổi rất tốt, hỗ trợ hệ thống cơ sở thủy lợi, đê mở. Vùng ven biển đầu tư hệ thống thủy lợi ven biển, xây dựng các công trình kiểm soát mặn lấy nước ngọt. Ngoài ra chủ động chuyển nước ngọt vào những vùng khan hiếm. Đây là những đầu tư ưu tiên của Chính phủ rất tốt, đặc biệt những vùng nuôi tôm có khả năng phát huy được thủy sản. Cùng với đó, hệ thống thủy lợi tăng cường về các nguồn đang khuyến khích tư nhân đầu tư vào, phải mở được có chế để thúc đẩy đầu tư của Nhà nước và tư nhân. 

Để Nghị quyết 120/NQ-CP được triển khai nhanh hơn trong thời gian tới, những giải pháp gì sẽ được thực hiện để nhằm làm ngay các nhiệm vụ cấp bách, thống nhất các chương trình, dự án thực hiện trong Kế hoạch năm 2021 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, trình Quốc hội thông qua?

Ông Tăng Thế Cường: Trong giai đoạn 5 năm tới, trên cơ sở Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2019, các bộ ngành, địa phương ĐBSCL sẽ đề xuất các dự án đưa vào Kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, đặc biệt các dự án có quy mô vùng, liên tỉnh thích ứng BĐKH.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đánh giá 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, Bộ KH&ĐT phối hợp với các bộ ngành và WB đã xây dựng Chương trình hỗ trợ đầu tư ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH với số vốn 1,05 tỷ USD.

Hợp tác quốc tế được xác định là nhiệm vụ quan trọng để triển khai có hiệu quả Nghị quyết 120. Trong thời gian qua, việc hợp tác và tranh thủ các nguồn lực quốc tế đã được triển khai như thế nào và mang lại những kết quả cụ thể gì, thưa ông?

Ông Tăng Thế Cường: Hiện nay đã có 20 đối tác phát triển quan tâm hỗ trợ cho ĐBSCL. Theo số liệu thống kê của WB và các đối tác phát triển, tổng số vốn đầu tư hỗ trợ từ các đối tác phát triển cho các chương trình, dự án đã và đang hỗ trợ vùng ĐBSCL vào khoảng 2,5 tỷ USD (58.00 tỷ đồng).

Hoạt động hợp tác quốc tế được thúc đẩy góp phần thu hút nguồn lực, tri thức, công nghệ cho ĐBSCL. Đã đẩy mạnh tham gia hiệu quả trong khuôn khổ hợp tác phát triển với các nước Tiểu vùng sông Mekong và giữa các nước Tiểu vùng sông Mekong với các đối tác phát triển.

Dưới góc độ nghiên cứu, xin GS. TS Trần Thục cho biết những giải pháp để biến thách thức từ những tác động tiêu cực của BĐKH thành thời cơ để phát triển bền vững ĐBSCL?

GS.TS Trần Thục: Điều kiện tại ĐBSCL không còn những ưu đãi như trước, BĐKH làm cho tình hình khó khăn hơn, cho nên dứt khoát phải chuyển đổi.

Đã có nhiều chính sách của Chính phủ, địa phương. Tuy nhiên theo tôi 3 yếu tố góp phần cho thành công của chuyển đổi này là nước sạch, giống và đầu ra.

Hiện nay ĐBSCL vẫn còn nhiều nước, không phải thiếu, nhưng nước sạch cho nuôi trồng thủy sản thì không nhiều. Về giống, chúng ta có giống lúa rất tốt, giống cây ăn quả nhiều nhưng giống của thủy sản thì chưa nhiều. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chương trình trong những năm tới giải quyết được giống. Về thủy sản, cây ăn trái, nếu không bán được chắc chắn sẽ bị hỏng. Cho nên đầu ra quyết định cho vấn đề chuyển đổi, phát triển cho ĐBSCL.

Xin ông cho biết những giải pháp được Bộ NN&PTNT triển khai để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, tăng liên kết vùng để phát triển nông nghiệp ĐBSCL theo hướng thuận thiên, hướng đến chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, cây ăn quả; tích tụ, tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp tập trung quy mô lớn?

Ông Trần Công Thắng: Thứ nhất triển khai tốt chương trình chuyển đổi nông nghiệp bền vững ĐBSCL, đặc biệt linh hoạt trong chuyển đổi trục, tất nhiên không chuyển đổi một cách cứng nhắc, phải dựa vào điều kiện của thị trường, tình hình thực tế.

Thứ hai, đầu tư vào hệ thống thủy lợi, trong thời gian vừa qua đã triển khai các đề án và đã đi vào thực tế.

Thứ ba, ứng dụng khoa học công nghệ vảo sản xuất, những khoa học công nghệ phải mới để phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp bền vững, giảm thiểu đầu vào, vừa nâng cao hiệu quả vừa tránh ô nhiễm nguồn nước. 

Thứ tư đẩy mạnh phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kết hợp với các bộ ngành để xuất khẩu ra các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản… tạo sự giao lưu giữa các doanh nghiệp, mở ra đầu vào, đầu ra cho các sản phẩm.

Được biết, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với Bộ KH&CN triển khai Chương trình khoa học và công nghệ ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL trong khuôn khổ thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, nhằm cung cấp cơ sở khoa học đầy đủ phục vụ xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp hiệu quả cùng với những mô hình cụ thể triển khai tại địa phương ĐBSCL. Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về Chương trình này?

Ông Tăng Thế Cường: Yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL được đặt ra trong Nghị quyết 120/NQ-CP, cụ thể hóa tại Quyết định 417/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động tổng thể thực hiện NQ120.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT có đề xuất đặt hàng với Bộ KH&CN về Chương trình KHCN ứng phó với BĐKH phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL để triển khai thực hiện từ năm 2021.

Mục tiêu của Chương trình nhằm cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn, phát triển và chuyển giao các mô hình, giải pháp tích hợp đồng bộ nhằm hạn chế, giảm tổn thất, thiệt hại, tổn thương do biến đổi khí hậu, thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính để phát triển bền vững kinh tế – xã hội, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường vùng ĐBSCL và từng tiểu vùng sinh thái, các địa phương trong vùng.

Thu Cúc – Mai Trinh

VGP

Leave a Reply

Your email address will not be published.